Lễ cúng cổng bon của người M’nông

Hàng năm, đồng bào M’nông thường tổ chức lễ cúng cổng bon làng (Bư brah mpêr bon) vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4 Âm lịch, trước khi những cơn mưa đầu mùa rơi xuống, với mong muốn cầu xin thần mưa gió, thần bão, thần dịch bệnh không gây tai họa cho bon làng trong cả năm. Lễ cúng diễn ra trong một ngày, ngay bên cổng ra vào của bon (buôn) làng.

Lễ cúng được tổ chức sau khi già làng và các chủ hộ gia đình họp bàn chọn ngày tổ chức, phân công công việc, quy định phần đóng góp của mỗi gia đình.

Sáng ngày diễn ra lễ cúng, mọi người trong bon làng mang theo lễ vật, nông sản, hoa quả, và các vật dụng đến tập trung tại nhà già làng chuẩn bị cho lễ cúng. Những vật phẩm được sử dụng trong lễ cúng cổng bon gồm: vật thiêng sah oonh (là hòn than củi được quấn bằng 1 vòng bông vải làm khố), gạo trắng (mỗi gia đình một nhóm), thuốc hút 1 nhúm, một cặp ngà voi và một sừng tê giác giả làm bằng gỗ. Bên cạnh đó còn có tượng con cọp, một lá trầu quét sẵn vôi, một miếng cau, ba gói bánh nếp gói bằng lá chuối, 3 quả chuối xanh luộc chín, 3 củ khoai luộc, 3 đoạn mía mỗi đoạn 3 đốt, 4 cây nến sáp cắm trên đầu bốn đoạn cây đóng làm cọc, ché rượu cần, cơm lam, thịt heo nướng và những chiếc vòng tay bằng đồng cầu sức khỏe...

Nghi thức quan trọng diễn ra phía trước cổng bon.

Phía trước sạp phên cột một ché rượu giả làm bằng vỏ quả bầu khô, bên trong đổ đầy trấu, miệng quả bầu cắm 1 ống nhỏ làm cần rượu. Bên cạnh ché rượu giả có dựng tượng một con cọp làm bằng gỗ, ngồi quay mặt từ trong ra phía ngoài. Người M’nông cho rằng các thần xấu, thần ác nhìn thấy tượng con cọp sẽ sợ hãi mà bỏ đi, không dám vào quấy phá bon làng. Phía sau sạp tre, ở giữa hàng rào bon và sạp tre là 1 hàng rào tượng trưng để ngăn chặn các thần ác vào quấy phá.

Già làng thổi tù và, báo hiệu buổi lễ sắp bắt đầu.

Người M’nông cho rằng các thần xấu, thần ác nhìn thấy tượng con cọp sẽ sợ hãi mà bỏ đi, không dám vào quấy phá bon làng.

Già làng thực hiện lễ cúng.

Lễ vật chuẩn bị xong, già làng thổi 1 hồi tù và, thông báo với thần linh và mọi người về việc tổ chức lễ cúng cổng bon. Sau đó già làng làm chủ lễ, dẫn cả đoàn ra phía trước cổng bon để tiến hành những nghi thức quan trọng. Trước ban thờ làm bằng phên tre, nứa, chủ lễ lấy tiết lợn hòa cùng với rượu, cắt ba miếng gan lợn nhỏ, xâu vào một chiếc que cắm bên bình rượu. Già làng cất tiếng cầu xin Yang, thần linh đem đến mưa thuận gió hòa và mùa màng tươi tốt cho bon làng, xin Yang cùng thần linh ngăn chặn và xua đuổi những rủi ro, bệnh tật.

Bôi rượu có hòa tiết lợn hiến tế lên mái nhà.

Sau khi đã làm lễ cúng tại cổng bon làng, chủ lễ cùng với bà con quay vào phía sân chính, đem rượu có hòa tiết lợn hiến tế bôi lên mái nhà, lên tường ngôi nhà ở làm phép để xua đuổi, ngăn chặn những rủi ro, bệnh tật đến với bon làng, ngăn chặn các thần ác vào nhà gây rối hoặc làm hại người trong gia đình. Cuối cùng, già làng tiến hành nghi thức cúng trao vòng sức khỏe cho bà con và du khách tham dự. Sau nghi thức này, các chàng trai, cô gái người M’nông vừa đánh cồng chiêng, vừa say trong những điệu múa, trò chơi sôi động mừng ngày hội.

Vui múa hát sau buổi lễ.


Bài: Phương Hà. Ảnh: Phú Lê
Lễ cúng ông Táo - nét văn hóa tâm linh
Lễ cúng ông Táo - nét văn hóa tâm linh

Cứ đến ngày 23 tháng Chạp, mọi nhà đều bận rộn chuẩn bị mâm cơm cúng tiễn ông Táo về trời để tâu trình Ngọc Hoàng những công việc của gia chủ đã làm trong năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN