Ngư dân các tỉnh ven biển Nam Bộ thường tổ chức và tham gia lễ hội “Nghinh ông”, xem đây là một động thái biết ơn người cưu mang giúp đỡ mình trong cơn nguy hiểm. Đây cũng là dịp cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, gia đình mạnh khỏe hạnh phúc; đồng thời là dịp tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống.Sau lễ trên bờ, các thuyền tiến ra biển làm lễ Ngư Ông. Ảnh: Phan Cường |
Mỗi địa phương đều lựa chọn ngày làm lễ “Nghinh ông” riêng của mình. Cụ thể như huyện Thạnh Phú (Bến Tre) và thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long... Về qui mô tổ chức các hoạt động mỗi nơi tuy có khác nhau nhưng nội dung cốt lõi, các bước hành lễ đều mang nét tương đồng.
Trước ngày lễ chính, ngư dân các địa phương đều tổ chức dọn dẹp nhà cửa, trang hoàng tươm tất, lập bàn thờ thắp nhang khấn nguyện và nghiêm trang chào đón “long đình” hành lễ qua nhà mình. Các hoạt động hiếu hỉ trong gia đình thường tổ chức trước hoặc sau các ngày lễ chính.
Sau khi làm lễ Ngư Ông ngoài biển, người dân rước Ông về lăng để thờ phụng. Ảnh: Phan Cường |
Ở huyện Thạnh Phú (Bến Tre), các sản phẩm cúng “ông” gồm: gạo, muối, trầu cau, rượu trà, nhang đèn…, đại diện Ban Tế tự lễ hội thắp hương khấn vái, cầu mong cho nhân dân địa phương một năm mới được mưa thuận gió hòa, bình an, làm ăn phát đạt. Sau đó, Ban Tế tự rước linh vị Ông về Lăng. Phần hội thường là: múa lân, giao lưu thể thao, các trò chơi dân gian như: kéo co, nhảy bao bố, đập heo đất, hội thi mâm xôi… thu hút nhiều lượt khách đến thăm quan.
Bà Lê Kim Loan, ngụ tại xã An Điền, huyện Thạnh Phú bộc bạch “… Năm nào chúng tôi cũng tới cúng Lăng ông để tỏ lòng thành kính, cầu nguyện trúng nhiều tôm cá mỗi khi ra biển…”. Lễ hội Nghinh ông tại đây đã duy trì được trên 10 năm (từ năm 2004 đến nay).
Còn tại thị trấn Sông Đốc (Cà Mau), lễ hội “Nghinh ông” đã duy trì trên 89 năm (năm 1925) và hàng năm tổ chức rất qui mô. Ông Dương Văn Thế, chánh chủ Vạn lăng cho biết “…hiện nay về phần lễ vẫn giữ nguyên các nghi thức, phần hội hàng năm có thay đổi tùy theo yêu cầu như: thi đấu thể thao, cờ tướng, đẩy gậy, kéo co, đờn ca tài tử, liên hoan văn nghệ…”.
Xác cá ông được trưng bày ở Lăng Ông, Nam Hải, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Phan Cường |
Phần lễ tại đây rất trang trọng với nhiều nghi thức mang đậm nét văn hóa dân gian xưa như: trước giờ ra biển “Nghinh ông” buổi lễ chính tại chánh điện có đầy đủ các cung phi (đa số là phụ nữ cao tuổi), cung nữ (các thiếu nữ) 12 nữ học trò lễ, 2 nữ cung hầu, 1 vị tướng quân trong tư thế oai phong cùng hàng chục quân sỹ đang đứng hầu. Bên ngoài sân lăng, những đoàn lân rất chuyên nghiệp múa may chào mừng giờ phút rước kiệu “ông” tiến ra phía biển.
Quang cảnh lễ hội “Nghinh ông” ở Sông Đốc. Ảnh: Trương Thanh Liêm |
Ông Phạm Văn Tâm, hương lễ lăng kể thêm về ý nghĩa việc “Nghinh ông”. Cụ thể là Ban tổ chức làm kiệu đặt lên đó “vong linh ông” đang ngự trị tại lăng và rước lên tàu tiến ra biển tây với mục đích để “ông” (ông đã mất) gặp gỡ các “ông đang còn sống” trên biển, sau đó lại rước “ông” quay về. Trước đây khi ra biển mà gặp “ông” phun nước thì đoàn sẽ quay về. Hiện nay hình thức được áp dụng là đọc lời cầu nguyện và xin “keo”, khi xin được thì đoàn mới trở lại lăng xem như hoàn thành công việc. Mục đích là các “ông” đồng thuận độ trì cho quốc thái dân an, ngư dân đi biển gặp nhiều may mắn, thu hoạch nhiều thủy sản, người dân quanh vùng không hứng chịu dịch bệnh… Điều đáng mừng là các địa phương tổ chức lễ “Nghinh ông” đều kết hợp chặt chẽ với chính quyền sở tại trong khâu tổ chức với hai mục đích cơ bản: phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân gian mang đậm bản sắc dân tộc đi đôi với việc ngăn chặn các hình thức tâm linh mang đậm nét mê tín dị đoan. Vì vậy ý thức giữ gìn nền văn hóa thuần Việt của người đến tham gia ngày một nâng cao.
Lễ hội Nghinh ông Nam Bộ là lễ hội văn hóa dân gian truyền thống đã được cộng đồng gìn giữ và tổ chức suốt nhiều năm qua tại các địa phương đáp ứng được nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân nói chung, ngư dân nói riêng.
Trương Thanh Liêm