Ước tính 990.000 người dân Nam Phi và gần 100 nhà lãnh đạo thế giới ngày 10/12 đã có mặt tại sân vận động Soccer City ở thành phố Johannesburg tham dự lễ truy điệu chính thức dành cho ông Nelson Mandela, vị tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi, người có công loại bỏ chế độ phân biệt chủng tộc hà khắc và là biểu tượng của tự do trên toàn thế giới. Đây có thể được coi là sự kiện lớn nhất trong lịch sử Nam Phi, được hàng triệu người trên thế giới dõi theo.
Ngợi ca biểu tượng Mandela
Phóng viên TTXVN tại Nam Phi cho biết, ngày 10/12, dù trời mưa to, hàng vạn người dân Nam Phi và bạn bè quốc tế đã tới Sân vận động Soccer City. Trong số các lãnh đạo và nhân vật nổi tiếng thế giới tham dự lễ truy điệu có Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki - moon, Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng phu nhân, ba cựu Tổng thống Mỹ gồm George W Bush, Bill Clinton và Jimmy Carter, Thủ tướng Anh David Cameron... Ngoài các lãnh đạo từ phương Tây, tham dự lễ truy điệu còn có Chủ tịch Cuba Raul Castro, Tổng thống Iran Hassan Rouhani, các nguyên thủ quốc gia châu Phi cùng các lãnh đạo và thành viên hoàng gia trên toàn thế giới.
Người dân Nam Phi mang theo ảnh ông Nelson Mandela tới dự lễ tang. |
Đoàn đại biểu Việt Nam do ông Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Đặc phái viên của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, dẫn đầu, đã tham dự buổi lễ. Tham dự buổi lễ còn có Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Lê Huy Hoàng.
Lễ truy điệu diễn ra lúc 17 giờ (giờ Việt Nam). Quốc ca Nam Phi vang lên mở đầu cho buổi lễ. Phó Chủ tịch Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ACN) Cyril Ramaphosa lên phát biểu, ca ngợi rằng ông Mandela mang trong mình những gì tốt đẹp nhất của nhân loại và cuộc đời ông dành trọn để quan tâm tới hàng triệu người dân Nam Phi bị áp bức, coi nỗi đau và sự khổ nhục của họ là nỗi đau của chính mình.
Sau lời tưởng niệm từ người bạn tù của ông Mandela là lời ai điếu của đại diện gia đình và họ hàng của ông Mandela. General Thanduxolo Mandela, người gọi Mandela là chú, cho biết gia tộc Mandela sẽ cố gắng củng cố di sản của ông và kêu gọi mọi người cùng chung tay. Ông nói: “Ông Mandela đã khuất khỏi tầm mắt của chúng ta nhưng không bao giờ khuất trong trái tim và tâm trí chúng ta”.
Một phụ nữ Nam Phi bày tỏ sự xúc động. |
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki - moon đã xúc động nói trước đám đông: “Nam Phi đã mất một anh hùng, mất một người cha. Thế giới đã mất một người bạn và một người thầy đáng kính”. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng dành cho ông Mandela những lời tôn vinh cao quý nhất như “nhà giải phóng vĩ đại cuối cùng của thế kỷ 20”, “người khổng lồ của lịch sử”. Tiếp theo là những lời ca ngợi và chia buồn của Tổng thống Brazil, Phó Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Namibia, Tổng thống Ấn Độ và Chủ tịch Cuba Raul Castro.
Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma là người lên sân khấu gần cuối cùng. Ông nghẹn ngào: “Hôm nay Madiba (tên gọi thân mật của ông Mandela) không còn nữa. Ông đã để lại sau lưng một dân tộc yêu quý ông vô ngần và một châu lục tự hào gọi ông là một người châu Phi”. Ông Zuma thay mặt cho người dân Nam Phi cam kết tiếp tục xây dựng đất nước được tạo dựng từ những giá trị tốt đẹp của ông Mandela về tự do, nhân quyền, dân chủ.
Niềm tự hào của Nam Phi
Trước đó từ tờ mờ sáng, dù trời mưa nhưng người dân Nam Phi đã đổ về khu vực này rất đông để xếp hàng chờ vào sân vận động. Nhiều người đã bỏ cả việc, chờ vài tiếng đồng hồ mong tìm được một chỗ để tưởng nhớ ông Mandela. Bất chấp nỗi đau buồn sâu sắc của toàn dân tộc, tâm trạng trong lễ truy điệu ngày 10/12 lại khác hẳn. Mọi người đều vui vẻ, mang theo niềm tự hào, sự kính trọng dành cho ông Mandela - một trong những nhân vật chính trị nổi bật nhất thế kỷ 20.
Họ cùng hát vang những bài hát ca ngợi: “Đây là Mandela, người nổi tiếng, họ chưa từng gặp bất kỳ ai giống ông”. Đám đông sau đó vỗ tay, huýt sáo, cùng nhau nhảy múa theo nhịp bài hát. Nhiều người đội tóc giả theo các màu trên quốc kỳ Nam Phi. Có người mặc áo phông của đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC), quấn cờ ANC hoặc mang theo ảnh của vị “cha già dân tộc”.
Phát biểu bên lề lễ truy điệu, người phát ngôn ANC cho rằng ngày 10/12 là một ngày quan trọng với Nam Phi, châu Phi và cả thế giới: “Đây là một ngày để ngợi ca một cuộc đời đã được sống trọn vẹn, là cơ hội để cùng nhau làm theo những giá trị mà Madiba đã ủng hộ”.
Với gần 100 nguyên thủ quốc gia tham dự, Nam Phi đã thắt chặt an ninh cho lễ truy điệu. Chính phủ nước này đã huy động một đội đặc nhiệm, các đội bắn tỉa và cả chó nghiệp vụ để tăng cường an ninh cho sân vận động. Trực thăng và máy bay quân sự thường xuyên bay phía trên khu vực tổ chức lễ truy điệu. An ninh cũng được tăng cường bên ngoài nhà của ông Mandela bởi có rất nhiều người đến đây để thể hiện sự kính trọng đối với ông.
Tuy nhiên, các quan chức Nam Phi không cung cấp chi tiết về số lượng cảnh sát, binh sĩ được huy động cũng như các biện pháp để đảm bảo sân vận động không có vũ khí và thuốc nổ.
Sau lễ truy điệu, thi hài ông Mandela sẽ được quàn ba ngày ở thủ đô Pretoria trước khi mai táng tại ngôi làng Qunu ở tỉnh Đông Cape, nơi ông đã sống những ngày thơ ấu.
Ông Mandela qua đời vào lúc 20 giờ 50 phút ngày 5/12, ông Mandela đã qua đời trong vòng tay của gia đình tại nhà riêng ở Johannesburg, thọ 95 tuổi.
Thùy Dương (Tổng hợp)