Để giảm quá tải cho các bệnh viện công, từ nhiều năm qua, ngành y tế đã đưa ra chủ trương tăng cường phối hợp với các bệnh viện tư. Tuy nhiên hoạt động phối hợp này đang gặp phải rất nhiều khó khăn.
Công trên tải, tư dưới tải
Hằng ngày, tại Bệnh viện (BV) Ung bướu TP Hồ Chí Minh, có hàng ngàn bệnh nhân đứng xếp hàng từ 4 giờ sáng để lấy số khám bệnh. Không có ghế ngồi, những bệnh nhân này ngồi "vạ vật" ở bất kỳ chỗ nào trong khuôn viên BV. Ở khu vực nội trú, bệnh nhân thường phải nằm ghép 2 - 3 người/giường bệnh. Do quá tải nên hầu hết khu vực hành lang, thậm chí dưới gầm giường cũng đều được tận dụng để làm chỗ nằm cho bệnh nhân.
Trong khi các bệnh viện tư hoạt động không hết công suất thì các bệnh viện công lại luôn phải trong tình trạng quá tải. |
Bác sỹ (BS) Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu, cho biết: “BV luôn trong tình trạng quá tải với hơn 1.500 bệnh nhân nội trú và hơn 11.000 bệnh nhân ngoại trú. Riêng ở khoa Nội, tỷ lệ quá tải lên đến 350% (560 bệnh nhân/160 giường nội trú, nên thường xuyên xảy ra tình trạng 4 - 5 bệnh nhân nằm chung một giường. Dù BV đã đưa khoa Nội Ung bướu vệ tinh vào hoạt động nhưng tỷ lệ quá tải BV còn khá cao”.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, quá tải BV là tình trạng chung của hầu hết các BV tuyến cuối của TP Hồ Chí Minh. Đơn cử, hiện nay, BV Chợ Rẫy hoạt động với công suất lên đến 135%; BV Nhân dân Gia Định hoạt động với công suất 108%; BV Nhi Đồng 1 hiện có 1.500 giường bệnh nội trú, công suất sử dụng giường 121,96%; BV Nhi Đồng 2 có 1.400 giường, công suất 133,3%... Thậm chí, các khoa dịch vụ của các BV công cũng luôn ở trong tình trạng hoạt động hết công suất.
Trong khi các BV công quá tải trầm trọng thì các BV tư lại vắng cả bệnh nhân nội trú và ngoại trú. BV An Sinh là một trong những BV tư lớn nhất ở thành phố được đầu tư trang thiết bị hiện đại, thế nhưng hiện nay số lượng người tới khám bệnh và điều trị cũng chưa cao. Đại diện BV An Sinh cho biết: “Khoa Xét nghiệm, khoa Chẩn đoán hình ảnh, Chẩn đoán chức năng của BV đã được trang bị các máy móc hiện đại. Trong những năm qua số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú tại BV cũng đã tăng, tuy nhiên công suất giường bệnh của BV cũng chỉ đạt khoảng gần 90%”.
Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, hiện trên địa bàn thành phố có 39 BV tư nhân, với 3.093 giường bệnh. Hầu hết các BV đều được đầu tư xây dựng theo đúng tiêu chuẩn thiết kế, trang thiết bị hiện đại phục vụ khám, chữa bệnh. Thế nhưng, công suất sử dụng giường bệnh tại các BV tư nhân lại không cao. Ví dụ, BV Hoàn Mỹ có 228 giường bệnh nhưng công suất sử dụng chỉ đạt 73.58%; BV Triều An 355 giường bệnh, công suất 60%, BV Gaya Việt Hàn 39%; BV Ngọc Linh (13%)… cá biệt, công suất sử dụng giường bệnh tại BV Đức Khang chỉ đạt 5%. Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng: Công suất sử dụng giường bệnh tại các BV tư nhân thấp có thể do nhiều nguyên nhân như: Giá viện phí cao hơn so với BV công lập, nhân sự thiếu hoặc chưa khẳng định được thương hiệu.
Cần cơ chế hợp tác
Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, vướng mắc khi triển khai mô hình hợp tác giữa các BV công và BV tư là giờ làm việc của bác sỹ; trong giờ hành chính, bác sĩ tại BV công không thể đi làm việc ở BV tư, trong khi nhu cầu khám chữa bệnh của BV tư cũng tập trung trong giờ làm việc.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng: Liệu BV công có muốn chuyển bệnh nhân sang BV tư không vì hiện nay hầu hết các BV công đều phải tự chủ tài chính. Hoặc nhiều người bệnh cũng không muốn chuyển từ BV công sang BV tư do sự chêch lệch giá dịch vụ hoặc chưa tin tưởng chất lượng khám, chữa bệnh tại BV tư...
Để thực hiện tốt việc hợp tác giữa BV công và BV tư, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy Phạm Thị Ngọc Thảo kiến nghị: “Bộ Y tế cần có cơ chế phù hợp để các BV công cung ứng chuyên gia đến khám, chữa bệnh cho người bệnh tại BV tư. Đồng thời, BV công có thể hợp tác nâng cao năng lực chuyên môn cho BV tư bằng hình thức đào tạo thực hiện gói kỹ thuật”.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia y tế cho rằng: BV tư cần xem xét một vài lĩnh vực hoặc một vài khoa để hợp tác với BV công, đồng thời BV công cần xem BV tư như một BV vệ tinh của BV công. Như vậy, các bác sỹ ở BV công có thể dịch chuyển từ BV công sang BV tư trong giờ hành chính. Bên cạnh đó, cả BV công và tư đều phải đưa ra một mức giá khám chữa bệnh hợp lý.
Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, nếu sự hợp tác giữa BV công - tư được đẩy mạnh, có thể tận dụng được cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của BV tư và phát huy nguồn nhân lực, thương hiệu của BV công. Các BV công - tư có thể hợp tác chuyển người bệnh sau phẫu thuật cần điều trị phục hồi chức năng… Ðể nâng cao hiệu quả phối hợp giữa hai khu vực y tế công - tư, cần làm rõ nhiều vấn đề như: Cơ chế bố trí nhân sự từ BV công sang BV tư, nhất là trong giờ hành chính, vấn đề kinh tế y tế, cơ chế thu - chi tài chính, giá viện phí... cũng phải được xem xét sao cho phù hợp hơn.
Bài và ảnh: Đan Phương