Càng tới thời điểm cận Tết Nguyên đán, dịch vụ đổi tiền lại càng nhộn nhịp hơn. Đặc biệt, năm nay dịch vụ đổi tiền trực tuyến “lên ngôi”, khách hàng chỉ cần gọi điện thoại là tiền mới còn nguyên đai, nguyên kiện sẽ được mang tới nơi.
Đổi tiền online
Ngay từ đầu năm 2012, dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới trên mạng đã tràn ngập các trang web. Chỉ cần gọi điện theo số rao trên website là khách hàng sẽ có ngay những cọc tiền mới còn nguyên cả dây buộc và giấy gói bằng ni lông.
Ngân hàng ưu tiên khách "VIP" khi đổi tiền lẻ, tiền mới. Ảnh: Nguyễn Hữu Vinh |
PV Tin Tức gọi theo một số điện thoại rao đổi tiền lẻ trên mạng, người có tên Q. cho biết: “Mình có số lượng lớn tiền lẻ để phục vụ mọi người nhân dịp Tết. Có đầy đủ các mệnh giá: 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng. Tất cả đều là tiền mới tinh, nguyên đai, nguyên cọc, seri thẳng tắp. Có thể đặt hàng thoải thoải mái không giới hạn số lượng. Miễn phí vận chuyển nếu đổi từ 5 triệu trở lên (bán kính 5 km từ phố Thái Hà)”.
Theo nhân vật này, tiền càng nhỏ thì tỉ lệ phí đổi tiền càng cao hơn: “Ở đâu cũng thế. Ví dụ, một cọc 1.000 trị giá 100.000 thì phải trả 115.000 đồng, cọc 2.000 đồng trị giá 200.000 thì phải trả 220.000 đồng, loại 5.000 đồng thì lệ phí 30.000 đồng/cọc, loại 10.000 đồng thì khách hàng mất thêm 50.000 đồng. Cọc 20.000 đồng trị giá 2 triệu đồng thì khách hàng phải trả 2,1 triệu đồng”, anh này cho biết.
Đặc biệt, năm nay số lượng đổi tiền trực tuyến tăng đột biến, “Đời sống hiện đại, nhiều người có nhu cầu đổi tiền nhưng không có thời gian đi đổi nên số lượng người đổi tiền online tăng mạnh so với năm ngoái”, người tên Q. này cho biết.
Bên cạnh dịch vụ đổi tiền trực tuyến, các “chợ” đổi tiền của Hà Nội cũng nhộn nhịp không kém. Tại khu vực đầu phố Đinh Lễ luôn có 4- 5 người đổi tiền tự do túc trực từ sáng tới tối để đổi tiền cho khách với chi phí “cắt cổ”. Tiền mệnh giá càng nhỏ chi phí đổi càng cao.
Một phụ nữ chuyên làm nghề đổi tiền ở đây cho biết, loại tiền cotton mệnh giá 200 – 500 đồng được nhiều người đổi nhất và có giá đổi đắt nhất. “Các loại tiền mệnh giá nhỏ như: 200 đồng, 500 đồng mới mức phí là 35 – 40%, tức là bỏ ra khoảng 100.000 đồng khách hàng chỉ thu được về khoảng 60.000 – 65.000 đồng. Loại 1.000 đồng, 2.000 đồng còn mới là 30%, bỏ ra 100.000 đồng khách hàng sẽ được 70.000 đồng. Cần bao nhiêu cũng có. Chỉ cần điện thoại trước, sẽ có người mang tới tận nhà”.
Theo những người đổi tiền ở đây, năm ngoái tỷ lệ đổi chỉ là 10 ăn 8, tức là bỏ ra 100.000 đồng khách hàng sẽ thu được 80.000 đồng. Nhưng năm nay, do nguồn cung hạn chế nên các loại mệnh giá nhỏ sẽ có mức quy đổi cao hơn. Đặc biệt là các loại tiền mệnh giá 200 và 500 đồng, năm nay có số lượng rất hạn chế.
Ngoài Đinh Lễ, tại các khu vực chùa chiền như, phủ Tây Hồ, chùa Trần Quốc, chùa Hà, chùa Quán Sứ… luôn có khoảng 3-4 hàng đổi tiền lẻ nhưng mức phí đổi tiền thì không hề “lẻ” tí nào. Với loại tiền mệnh giá 500 đồng khách hàng phải bỏ ra 200.000 đồng mới đổi được 100.000 đồng tiền mới; tiền 1.000 đồng phải bỏ ra 180.000 đồng mới được 100.000 đồng.
Ngân hàng ưu tiên khách “VIP”
Năm nào các ngân hàng cũng có chính sách đổi tiền cho khách hàng nhưng không phải khách hàng nào cũng được đổi tiền lẻ, tiền mới. Chị Hoài, một nhân viên của Habubank cho biết: “ Các ngân hàng sẽ ưu tiên đổi tiền lẻ, tiền mới cho những khách hàng “VIP”, những khách hàng thân thiết, còn lại mới đem đổi cho nhân viên và cho khách hàng”.
“Đây cũng là thông lệ hàng năm, hầu như ngân hàng nào cũng làm như vậy. Còn những người rút tiền thông thường khó đổi được tiền mới và tiền lẻ”, chị Hoài cho biết.
Chị Minh Phương, một nhân viên của Ngân hàng Liên Việt cho biết: “Năm nay, các mệnh giá được ưa thích đổi tại ngân hàng là loại 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng vì tiện sử dụng để mừng tuổi. Loại mệnh giá 500 đồng có màu đỏ được ưu chuộng để đi chùa đầu năm thì rất hiếm vì nguồn tiền hạn chế. Vì vậy, người dân chuyển sang đổi tiền mệnh giá 2.000 và 5.000 đồng để đi lễ đầu năm”.
Cũng với lý do “mừng tuổi”, tại một số ngân hàng, những khách hàng đến giao dịch ngoại tệ còn có thêm nguyện vọng nhận những đồng 1 USD, 2 USD, 5 USD, 10 USD.
Theo một lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước, loại tiền mệnh giá 200 và 500 đồng có màu sắc đỏ được người dân ưu chuộng để sử dụng đi chùa nhưng năm nay tiền mệnh giá nhỏ không được in nên trở nên khan hiếm.
Vì vậy, “Nhiều người đổi tiền cố ý đẩy giá đổi lên cao để trục lợi. Các kiểu đổi tiền này đều là trái pháp luật. Nhiều người đã lợi dụng việc này để trục lợi cá nhân, ảnh hưởng tới lưu thông tiền tệ”, lãnh đạo này cho biết.
H.V