Lên Pác Bó nghe kể chuyện Bác Hồ về nước

Đã ở tuổi 88, cụ Hoàng Thị Khìn, xóm Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng vẫn rành rọt kể từng chi tiết về câu chuyện 70 năm trước khi Bác Hồ ở Pác Bó vận động, giác ngộ bà tham gia hoạt động cách mạng.


Thời gian đã in trên mái tóc bạc trắng hằn sâu những vết nhăn trên khuôn mặt phúc hậu của bà nhưng không xóa được ký ức về tình cảm thiêng liêng đối với Bác. Mỗi lời kể của bà, sâu lắng xúc động về tình cảm của ông Ké gắn bó với người dân Pác Bó trong những ngày cách mạng gian khổ, còn nguyên vẹn như vừa mới hôm qua.

Cụ Hoàng Thị Khìn kể chuyện Bác Hồ về Pác Bó năm 1941.


Năm 1939, bà là thiếu nữ người Nùng xinh đẹp sống trong cảnh đời buồn bã như bao cô gái khác trong bản vì hằng ngày chứng kiến bọn quan Tây, lính dõng bắt bớ đánh đập tàn bạo người thân, dân làng đi phu, đi lính.


Già, trẻ, gái, trai nhà nào cũng vậy, quanh năm oằn lưng làm lụng mà không đủ nộp sưu thuế. Các cô thiếu nữ Nùng xinh đẹp lớn lên chưa từng được mặc một bộ quần áo lành lặn vì nhà nào cũng nghèo xơ xác.


Cuộc đời khổ cực như trâu ngựa, dân bản chỉ biết cúi mặt cam chịu bọn quan lại áp bức mà không tìm được lối thoát. Rồi một hôm có 2 người lạ là các ông (Hoàng Tô, Lê Quảng Ba) đến nhà nói chuyện với bố, mẹ bà những điều rất mới lạ: "Theo cách mạng (CM), đánh đuổi bọn quan Tây, lính dõng, sẽ không bị khổ cực nữa". Hai từ "Cách mạng" khắc sâu trong tâm trí bà.


Cha mẹ bà hiểu được cái lý lẽ của 2 đồng chí CM nên giảng giải, động viên các con mình đi theo CM, giúp cán bộ CM. Từ đó, gia đình bà trở thành cơ sở tin cậy của cán bộ CM. Bà và mấy người em gái được phân công lo công tác hậu cần, đưa đón cán bộ.

Vào mùa xuân năm 1941, một hôm bà được ông Lê Quảng Ba phân công hai chị em vào rừng đưa cơm cho ông Ké. Bà cùng em gái (bà Hoàng Thị Hoa) đi vào khu rừng rậm phía đầu nguồn suối Giàng (suối Lênin ngày nay) gặp ông Ké (ông già) lạ mặt. Lần đầu gặp ông Ké, ông nói chuyện bằng tiếng Nùng trìu mến ấm áp, ân cần hỏi thăm đời sống dân bản, người thân trong gia đình, hai chị em bà thấy gần gũi ấm áp lạ thường.


Ông Ké giảng giải cho hai chị em: "Bọn quan Tây không cho người dân đi học, bắt nộp sưu thuế nặng nề, mọi người dân nghèo đói ngu dốt để chúng dễ áp bức cai trị. Các cháu phải đi học chữ để hiểu biết, làm CM thì sẽ đánh đuổi được chúng".


Mỗi lời ông Ké nói như một chân trời mới mở ra trước cuộc sống đen tối của bản làng mà bà chưa bao giờ nghĩ tới. Được ông Ké giác ngộ, tin tưởng, bà nhiệt tình tham gia hoạt động CM, vận động chị em trong bản đi học chữ do ông Ké cử cán bộ mở lớp. Sau mỗi buổi học hay giờ nghỉ, Bác thường xuyên lên thăm lớp học, động viên mọi người cố gắng và giảng bài về đạo đức người đảng viên.


Bà và chị em còn được Bác quan tâm dạy từ nếp ăn ở, sinh hoạt và tặng cả sách "Ngũ tự kinh". Bà nhớ mãi lời ông Ké dặn: "Các cháu nhớ học chữ để hiểu biết, đọc hiểu cuốn sách này, phấn đấu nam nữ bình quyền. Các cháu học tốt, hiểu biết tham gia CM sau này đứng lên giành độc lập tự do thì Bác mới trả được hết công lao các cháu".


Thấm nhuần lời ông Ké, ở lớp phụ nữ học chữ ai cũng cố gắng. Được Bác Hồ giác ngộ cách mạng, học chữ nâng cao nhận thức và hiểu biết, bà và chị em ngày càng tin tưởng vào con đường đấu tranh CM.


Bà vận động chị em trong bản, xã đóng góp lương thực, bán củi đổi lấy muối nuôi cán bộ, làm tốt công tác hậu cần, đưa đón, bảo vệ cán bộ CM 3 miền Bắc, Trung, Nam đến học các lớp tập huấn cán bộ, du kích và Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII tại Khuổi Nặm; tham gia đánh thổ phỉ xóm Lũng Túp (Sỹ Hai).

Bà tâm sự: Khi hoạt động CM gặp nhiều gian nan, nguy hiểm nhưng nghĩ đến lời ông Ké dặn "Mọi người đoàn kết đấu tranh thì mới đánh đổ được bọn quan Tây, lính dõng, bản làng sẽ không còn ai bị chúng đánh đập cướp bóc", thì tôi lại cố gắng vượt qua khó khăn. Theo lời ông Ké, cả làng ai cũng hăng hái tham gia các tổ chức cứu quốc: Phụ lão cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Nhi đồng cứu quốc... tất cả hợp thành khối thống nhất trong Mặt trận Việt Minh.


Tôi và mọi người trong gia đình ai cũng tham gia các tổ chức cứu quốc. Mặt trận Việt Minh ngày càng phát triển mạnh, mọi người càng thêm tin vào lời ông Ké về con đường giải phóng dân tộc, giải phóng cho chính mình. Đêm tiễn ông Ké từ Pác Bó đi Tân Trào là giờ phút thiêng liêng mà tôi không thể nào quên trong cuộc đời mình. Chị em trong bản chúng tôi khâu áo, mũ, giầy vải, khăn tặng ông Ké trước khi lên đường. Ai nấy bịn rịn thương nhớ không muốn rời trong giờ phút chia tay. Ông Ké động viên chị em và mọi người tiếp tục đoàn kết đấu tranh cách mạng giành chính quyền khi thời cơ đến.

Như lời ông Ké, Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám nổ ra, các tổ chức CM và nhân dân hưởng ứng đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền về tay, có độc lập tự do.


Bản làng không còn cảnh quan Tây, lính dõng đánh đập, bóc lột dã man, ai cũng được tự do, có cơm no áo ấm. Người không chỉ làm thay đổi cuộc đời tôi mà thay đổi cả vận mệnh dân tộc. Những ngày tôi được gặp ông Ké không nhiều, nhưng những tình cảm, tư tưởng của Người dành cho tôi luôn là những điều kỳ diệu theo mãi bên tôi cùng năm tháng.

70 năm đã qua đi kể từ ngày Người về Pác Bó, bàn đá chông chênh Người ngồi dịch sử Đảng, chỉ đường, vạch lối đấu tranh cách mạng từ nơi đây đã trở thành bản trường ca về sức mạnh dân tộc, vươn tới những đỉnh cao của lịch sử đất nước.


Trong lòng núi rừng Pác Bó và người dân nơi đây vẫn ôm hình bóng Già Thu, hằng nhớ mùa xuân đón Bác về nhìn những đổi thay trên quê hương cội nguồn cách mạng. Đường đến Pác Bó hôm nay được Đảng, Nhà nước và nhân dân mở rộng to đẹp mang tên đường Hồ Chí Minh, hai bên đường nhà mái ngói đỏ tươi dưới chân núi. Pác Bó, Trường Hà hôm nay có đầy đủ đường, điện, trường, trạm... ; bà con tích cực tăng gia sản xuất, không còn cảnh đói nghèo.


Xóm bản nhớ ơn Người, nhân lên niềm tin khi thực hiện Cuộc vận động (CVĐ) "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Chi bộ xóm gắn thực hiện CVĐ với xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, mẫu mực làm tấm gương cho con cháu noi theo. Các tổ chức, đoàn thể triển khai CVĐ gắn với nhiệm vụ hoạt động đề ra...

Chị Nông Thị Dung, xóm Pác Bó, tâm sự: Bác đã gắn bó với bản làng nơi đây, học tập và làm theo Bác lại càng có ý nghĩa để mỗi người phấn đấu xây dựng xóm làng no ấm như Bác hằng mong... Dân bản hưởng ứng CVĐ vượt khó vươn lên làm kinh tế, cái ăn, cái mặc thêm đủ đầy, cuộc sống được nâng lên, nhiều hộ đã vươn lên thành hộ khá, đoàn kết tình làng nghĩa xóm.


Con em trong bản phấn đấu học tập, làm theo lời Bác, nhiều thế hệ trưởng thành. Khu Di tích Lịch sử Pác Bó đang được đầu tư xây dựng hiện lên bề thế với những hạng mục tầm cỡ quốc gia gìn giữ di tích về Người, đón khách trong nước và bè bạn quốc tế đến với Pác Bó, đến với nơi Người mở đầu suối nguồn cách mạng, chặng đường đầu tiên cho vận mệnh dân tộc Việt Nam và thời đại Hồ Chí Minh.

Pác Bó hôm nay, vẫn núi thiêng hùng vĩ, trong veo tiếng suối ngàn như phút thiêng liêng mùa xuân xưa đón Người. Già Thu như vẫn ở nơi đây, bao tình cảm gắn bó với bà con không thể phai mờ. Muôn lòng dân làm theo lời Bác, đón Người về mỗi độ xuân sang.

Mạnh Hà (ghi tại Pác Bó)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN