Ngày 14/8, hàng triệu người tại Gaza và Nam Israel đã xuống đường bày tỏ sự vui mừng về việc thỏa thuận ngừng bắn tạm thời được gia hạn thêm 5 ngày kể từ 14/8, bất chấp sự khởi đầu không mấy suôn sẻ của đợt ngừng bắn mới này.Các nhà hòa giải của Ai Cập đã làm trung gian cho việc kéo dài một thỏa thuận ngừng bắn 72 giờ trước đó để tạo điều kiện cho đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài. Sau một số vụ bắn rocket vào Israel và các cuộc không kích của Israel vào Gaza trong đêm 13/8, sự yên bình đã trở lại trong ngày 14/8. Nếu thỏa thuận mới được thực thi đầy đủ, đây sẽ là đợt ngừng bắn dài nhất sau 5 tuần xung đột tại Gaza.
Tối 14/8, khoảng 10.000 người Israel đã tập trung tại quảng trường Rabin ở thủ đô Tel Aviv, kêu gọi chính phủ và quân đội ngăn chặn các cuộc tấn công bằng rocket từ Gaza. Đây là cuộc biểu tình lớn đầu tiên tại Israel kể từ khi chiến dịch tấn công Gaza bắt đầu hôm 8/7. Các nhà tổ chức cho biết sự kiện này thu hút sự tham gia của cả những người cánh hữu và cánh tả, cũng như các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo khác nhau ở Israel. Cuộc biểu tình diễn ra cùng thời điểm với một cuộc họp nội các an ninh Israel để thảo luận về hòa giải tại Cairo (Ai Cập).
Quang cảnh đổ nát sau cuộc tấn công của Israel vào Beit Hanun, phía bắc Dải Gaza ngày 14/8. Ảnh: AFP-TTXVN |
Liên quan đến các cuộc đàm phán hòa bình, các nhà hòa giải Ai Cập đã hoãn đàm phán về một cảng biển và cảng hàng không tại Gaza, đồng thời cho biết chỉ thảo luận về các chủ đề này một tháng sau khi một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn trong tương lai được thực thi. Các cuộc đàm phán về việc Palestine trả lại thi thể của hai binh lính Israel thiệt mạng đổi lấy việc Israel thả tù nhân Palestine đang bị giam giữ tại Israel cũng đã được hoãn lại. Một vùng đệm hiện do Israel kiểm soát, nằm bên trong biên giới lãnh thổ Gaza sẽ thu hẹp dần, và sẽ được chuyển giao quyền kiểm soát cho các lực lượng của Tổng thống Palestine Mahmud Abbas. Israel cho biết sẽ tạo điều kiện để tái thiết Gaza nếu dải đất này được giải giáp vũ khí hoàn toàn. Đề nghị này bị người Palestine bác bỏ.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tái khẳng định ủng hộ các nỗ lực hòa giải của Ai Cập. Trong một thông cáo, Bộ trên cho biết ông Hagel nhấn mạnh cần có một kết quả bền vững vừa đảm bảo an ninh cho Israel và giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Gaza.
Đến nay, hơn 1.900 người Palestine đã thiệt mạng, gần 10.000 người bị thương, và nửa triệu người phải sơ tán kể từ khi Israel phát động chiến dịch tấn công Gaza. Nhiều cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề. Trong một cuộc không kích, các tên lửa của Israel đã xuyên qua trần hình vòm và phá hỏng một công trình sa thạch cổ ở Gaza, nơi có đền thờ Omari từ thế kỷ thứ 7. Một số phần của đền thờ này được tu bổ vào thế kỷ 14 và một tòa nhà hiện đại đã được xây thêm cách đây vài năm, nhưng Omari vẫn là một trong số ít các công trình lịch sử còn lại của Gaza. Giờ đây, công trình này chỉ còn là tàn tích.
Các cuộc giao tranh từ ngày 8/7 đã gây cả những thiệt hại trực tiếp và gián tiếp cho di sản của Gaza. Bộ trưởng Du lịch và Di tích cổ Palestine, ông Rola Maayah khẳng định sự "phá hủy có chủ đích" đối với các công trình ở Gaza là "tổn thất lớn cho nhân loại". Theo ông Lodovico Folin-Calabi, Quyền chủ tịch văn phòng Tổ chức Giáo dục-Khoa học-Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tại Ramallah, cần ưu tiên giải quyết vấn đề nhân đạo, nhưng cũng cần khôi phục di sản văn hóa như "một phần quan trọng của cuộc sống thường ngày" ở Gaza.
TTXVN/Tin tức