Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon ngày 2/9 đã cảnh báo các nước phương Tây như vậy khi trả lời phỏng vấn trong chuyến thăm tới New Zealand.
Binh sĩ thuộc lực lượng tuần tra biên giới Ukraine tại thành phố Mariupol ngày 1/9. |
Ông Ban Ki-moon tỏ ý vô cùng quan ngại trước các diễn biến ở Ukraine và không muốn cuộc khủng hoảng này trở thành một “tình huống nguy hiểm và hỗn loạn”. Ông nhấn mạnh rằng phải có đối thoại chính trị để tìm ra một giải pháp chính trị và đây là một con đường bền vững hơn giải pháp quân sự.
Quan điểm của ông Ban Ki-moon tương tự quan điểm mà Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đưa ra ngày 1/9, trong đó ông Lavrov nhấn mạnh rằng quân đội Nga sẽ không can thiệp vào tình hình Ukraine: “Sẽ không có can thiệp quân sự. Chúng tôi kêu gọi dàn xếp cuộc khủng hoảng và thảm kịch nghiêm trọng này một cách hòa bình”.
Những bình luận của ông Ban Ki-moon và ông Lavrov được đưa ra khi NATO chuẩn bị tăng cường mức độ sẵn sàng chiến đấu ở khu vực Đông Âu. Theo kế hoạch, tại hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra trong các ngày 4 - 5/9 ở xứ Wale của Anh, NATO sẽ thông qua kế hoạch nâng cao khả năng chiến đấu tại các nước thành viên Đông Âu, thành lập lực lượng phản ứng nhanh gồm hàng nghìn binh lính có thể triển khai trong vòng 2 ngày tại những điểm nóng trong khu vực.
Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, ông Alexander Zaharchenko, tuyên bố rằng Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng không chấp nhận nằm trong thành phần Ukraine. |
Trước những động thái trên của NATO, ngày 2/9, Phó Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Mikhail Popov cho biết việc NATO tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực Đông Âu đang làm gia tăng căng thẳng và Nga sẽ điều chỉnh chính sách quốc phòng để đối phó.
Trong khi đó, tình hình chiến sự ở miền đông Ukraine đã có những thay đổi đáng kể. Chính phủ Ukraine xác nhận lực lượng quân đội nước này ở phía nam khu vực Lugansk đã buộc phải rút khỏi sân bay và ngôi làng gần đó. Đây là thất bại mới nhất của quân đội Ukraine khi mà cách đây một tuần lực lượng này đang thắng thế trước phe ly khai, siết chặt vòng vây quanh phe này ở Donetsk và Lugansk.
Sau khi bị siết chặt, phe ly khai đã mở mặt trận mới ở phía nam, phản công thần tốc, buộc các đơn vị quân đội Ukraine bỏ một số vị trí phòng thủ ở đông nam, đặc biệt là ở thành phố cảng chiến lược Mariupol. Trong những ngày gần đây, số binh sĩ ở Mariupol đã giảm đáng kể.
Trong khi đó, tổ chức Giám sát Nhân quyền đã công bố báo cáo ngày 1/9, theo đó cho biết quân đội Ukraine chịu trách nhiệm về các vụ tấn công và thương vong dân thường ở Lugansk. Trong chuyến thăm Lugansk ngày 20 - 22/8/2014, tổ chức Giám sát Nhân quyền đã phỏng vấn hàng chục người và được biết phe chính phủ Ukraine thực hiện nhiều vụ tấn công bừa bãi, dẫn tới vi phạm luật nhân đạo quốc tế.
Ngoài ra, tổ chức này còn cho biết người dân Lugansk hàng ngày là mục tiêu của các vụ nã pháo kinh hoàng khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương. Nhiều người dân không có điện, gas và nước máy hàng tuần liền, thực phẩm và nhiên liệu cạn kiệt. Giao tranh đã khiến hơn nửa triệu người rời bỏ nhà cửa và con số này sẽ còn tăng. Ông Antonio Guterres, Giám đốc Cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc, cảnh báo: “Nếu cuộc khủng hoảng này không nhanh chóng chấm dứt, nó sẽ không chỉ gây hậu quả nhân đạo tàn khốc mà còn có khả năng làm cả khu vực bất ổn”.
Thùy Dương