Phát ngôn viên Liên hợp quốc (LHQ) Martin Nesirky ngày 3/12 thông báo LHQ tạm ngừng các hoạt động tại Syria và bắt đầu rút nhân viên khỏi nước này vì lo ngại tình trạng an ninh ngày càng xấu đi.
Phát biểu trước báo giới tại New York (Mỹ), ông Nesirky cho biết: "Các sứ mệnh của LHQ tại Syria tạm ngừng cho tới khi có thông báo tiếp theo". Ông cũng xác nhận các nhân viên LHQ nếu không đảm nhận các công việc thiết yếu sẽ lập tức rời khỏi Syria.
Như vậy, khoảng 25-100 nhân viên quốc tế có thể rút khỏi Syria trong tuần này.
Hiện trường vụ xung đột tại Bustan Al-Qasr, khu vực lân cận thành phố Aleppo, Syria ngày 3/12. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cùng ngày, phát ngôn viên của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton cho biết văn phòng của EU tại Damacus sẽ giảm hoạt động xuống mức tối thiểu do lo ngại an ninh. Văn phòng này hoạt động từ khi cuộc khủng hoảng Syria bùng phát.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga đồng thời là Đặc phái viên Điện Kremlin về Trung Đông, ông Mikhail Bogdanov cho biết các nhà ngoại giao Nga đã liên lạc với công dân nước này tại Syria và sẵn sàng hỗ trợ họ sơ tán trong trường hợp khẩn cấp.
Tại Washington, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney bày tỏ lo ngại chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể đang cân nhắc sử dụng vũ khi hóa học.
Truyền thông Mỹ trước đó đưa tin quân đội Syria bị phát hiện đang di chuyển loại vũ khí này. Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 3/12 cảnh báo "sẽ có những hậu quả" nếu Syria sử dụng vũ khí hóa học. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cùng ngày cũng cảnh báo việc triển khai vũ khí này của Syria sẽ là vượt "giới hạn đỏ".
Phản ứng về vấn đề trên, một quan chức Bộ Ngoại giao Syria khẳng định Syria sẽ "không bao giờ, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, sử dụng vũ khí hóa học chống lại nhân dân mình, nếu loại vũ khí đó có tồn tại".
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang ở thăm Thổ Nhĩ Kỳ ngày 3/12 cảnh báo việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai các tên lửa Patriot tại khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sẽ khiến tình hình thêm căng thẳng, có thể gây ra một cuộc xung đột lớn hơn, kéo theo sự tham gia của cả liên minh quân sự phương Tây.
Ông Putin đưa ra cảnh báo này trước thềm một cuộc họp của NATO tại Brussels (Bỉ) dự kiến đưa ra quyết định về đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ triển khai hệ thống tên lửa Patriot dọc biên giới với Syria.
Trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, hai bên đã không nhất trí về lập trường đối với cuộc xung đột ở Syria, trong bối cảnh Mátxcơva được xem là một đồng minh vững chắc của chính quyền Damacus trong khi quan hệ giữa Ankara và nước láng giềng Syria đổ vỡ do cuộc xung đột, đặc biệt các vụ đạn pháo giao tranh từ Syria bắn vào các khu vực biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc hội đàm, ông Putin nhấn mạnh: "Điều chúng tôi lo ngại hiện nay là tương lai của Syria và chúng tôi không muốn những sai lầm gần đây được lặp lại".
Trong một diễn biến mới nhất, kênh truyền hình Libăng Al-Manar đưa tin người phát ngôn Bộ Ngoại giao Syria Jihad Makadissi đã bị sa thải vì "phát ngôn không đúng đường lối của chính phủ". Trong khi đó, một số kênh truyền hình Arập đưa tin ông Makadissi đã đào tẩu và chạy sang Anh qua sân bay quốc tế Beirut.
Theo số liệu của LHQ, cuộc xung đột kéo dài tại Syria từ tháng 3/2011 đến nay đã làm 41.000 người thiệt mạng.
TTXVN/Tin tức