LHQ cùng nhiều đồng minh của Syria đang phản đối mạnh mẽ một giải pháp quân sự của phương Tây trong bối cảnh Mỹ và đồng minh đang ráo riết chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhằm vào quốc gia chìm trong xung đột này.
“Hãy cho hòa bình một cơ hội”
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 28/8 đã kêu gọi một giải pháp ngoại giao, đưa các bên đến bàn đàm phán chứ đừng đổ thêm dầu vào lửa. Ông kêu gọi Hội đồng bảo an vốn đang bị chia rẽ hãy đoàn kết và mang hòa bình đến với Syria. Trong bài phát biểu tại La Haye, ông Ban Ki-moon cho rằng Hội đồng bảo an phải tìm được sự đoàn kết để hành động, phải dùng thẩm quyền của mình hướng tới hòa bình. “Hãy cho hòa bình một cơ hội. Hãy cho ngoại giao một cơ hội. Hãy ngừng đấu đá và bắt đầu đối thoại”, ông nói.
Người dân Syria cần một cơ hội cho hòa bình. Ảnh: AFP/TTXVN |
Người đứng đầu LHQ cũng kêu gọi các bên cho thanh sát viên thêm thời gian điều tra về cáo buộc dùng vũ khí hóa học, đồng thời cảnh báo rằng việc cung cấp vũ khí cho các bên ở Syria sẽ chỉ làm tình hình tồi tệ hơn. Theo ông Ban Ki-moon, các thanh sát viên LHQ cần 4 ngày để hoàn tất cuộc điều tra về các cáo buộc vũ khí hóa học.
Trong khi đó, giới chức Iran tiếp tục đưa ra những tuyên bố phản đối mạnh mẽ hành động can thiệp quân sự vào Syria. Thủ lĩnh tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei ngày hôm qua, 28/8 cảnh báo bất kỳ cuộc tấn công nào vào Syria do Mỹ thực hiện sẽ gây thảm họa cho khu vực, vốn đã như một “kho thuốc súng”.
Một đồng minh quan trọng của Damascus là Nga cũng liên tục phản đối can thiệp quân sự vào Syria trong những ngày gần đây. Trong cuộc điện đàm hôm 27/8 với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moscow phản đối cáo buộc của Mỹ cho rằng chính quyền Syria đứng đằng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô Damascus hôm 21/8. Theo ông Lavrov, Nga muốn một cuộc trao đổi khách quan và độc lập về bằng chứng vụ tấn công này.
Trong khi đó, đại sứ Syria tại LHQ Bashar al-Jaafari ngày 28/8 đã cáo buộc phe đối lập dùng vũ khí hóa học để tạo cớ buộc các nước hành động quân sự chống chính quyền Syria. Ông Jaafari khẳng định: “Nhiều thông tin có xu hướng chứng minh rằng chính quyền Syria vô can” và cho thấy phe đối lập mới là bên dùng vũ khí hóa học để kích động nước ngoài can thiệp. Theo ông Jaafari, phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép các nhóm khủng bố lập một phòng thí nghiệm vũ khí hóa học ở Thổ Nhĩ Kỳ, với các nguyên liệu do Thổ Nhĩ Kỳ, Arập Xêút và Qatar cung cấp, rồi vũ khí hóa học được chuyển tới dùng ở Syria.
Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Syria, Faisal Maqdad cáo buộc Hoa Kỳ, Anh và Pháp đã tiếp tay cho "những phần tử khủng bố" sử dụng vũ khí hóa học tại Syria, đồng thời cảnh báo chính những nhóm khủng bố này sẽ sớm sử dụng vũ khí hóa học chống lại châu Âu.
Mỹ chỉ định trừng phạt Syria
Bất chấp lời cảnh báo từ Nga và lời phản đối từ LHQ, lực lượng Mỹ đã sẵn sàng cho cuộc tấn công Syria, cuộc tấn công mà phương Tây khẳng định mục đích là để trừng phạt Tổng thống Syria Bashar al-Assad vì đã dùng vũ khí hóa học, chứ không phải nhằm thay đổi chế độ của nước này.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết hành động của Mỹ sẽ nhằm bảo vệ nguyên tắc vũ khí hóa học không được sử dụng, chứ không nhằm lật đổ Tổng thống Assad dù trước đó Mỹ từng nhiều lần kêu gọi ông từ chức.
Với lý lẽ này, quân đội Mỹ đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng hành động khi Tổng thống Barack Obama ra lệnh tấn công. Một quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền Mỹ ngày 28/8 cho biết, nước này loại trừ khả năng hành động quân sự đơn phương nhằm vào Syria và đang tham vấn các đồng minh về các cuộc tấn công ác liệt tiềm tàng có thể kéo dài hơn một ngày. "Bất kỳ hành động quân sự nào sẽ không được tiến hành đơn phương mà sẽ bao gồm các đối tác quốc tế", quan chức trên cho hay.
Thùy Dương