Lì xì ngày Tết

Đối với tôi, điều khiến tôi háo hức, phấp phỏng chờ đợi nhất cứ mỗi độ xuân về đó chính là được… lì xì!


Lì xì là một phong tục, một nét đẹp truyền thống của người Việt trong mỗi dịp Tết Nguyên đán. Đây là một từ gốc Hán đã được Việt hóa (chính âm Hán - Việt là lợi thị với nghĩa điều tốt lành, lợi lộc, vận may,…). Ngày trước, người ta vẫn thường hiểu lì xì là mừng tuổi. Ngày nay, vào những dịp mừng thọ, mừng nhà mới, lên chức, lên lương hay những ngày sinh nhật, cưới hỏi thì người ta cũng đều lì xì. Tuy nhiên, những hình thức lì xì đó đều không phải là “mừng tuổi mới” theo đúng nghĩa gốc của nó.


Thông thường, vào sáng mồng một Tết, con cháu trong gia đình tôi thường tụ tập để chúc Tết ông bà, cha mẹ và sẽ nhận được tiền lì xì. Đối với người lớn, tiền lì xì chỉ mang ý nghĩa tượng trưng để năm sau làm ăn phát đạt, tài lộc dồi dào. Nhưng đối với tôi thì khác, tiền lì xì bao giờ cũng chứa đựng cả ước muốn được khỏe mạnh, học hành giỏi giang và có nhiều may mắn hơn trong năm mới. Chính vì vậy, mỗi khi có khách đến nhà chúc Tết là tôi đều không đi đâu chơi cả, chỉ háo hức chờ đợi để được nhận lì xì. Năm nào cũng vậy, nhờ những bao lì xì mà con heo đất của tôi mới được ăn no.

Theo phong tục, tiền lì xì được bọc vào giấy hay vải màu đỏ tươi. Màu đỏ tượng trưng cho điều tốt lành, sự may mắn, tài lộc dồi dào. Những phong bao lì xì này đã được ông bà, cha mẹ chuẩn bị trước đó từ rất lâu. Xu hướng ngày nay, để không mất thời gian chuẩn bị, người ta cho in sẵn phong bao lì xì màu đỏ phong phú về mẫu mã, chất liệu, kiểu dáng, họa tiết… Chúng ta thường hay bắt gặp nhiều những phong bao lì xì có hình ông Phúc - Lộc - Thọ, biểu trưng cho con giáp của năm đó, hoa mai, hoa đào hay hình nam thanh nữ tú,… Dù ở hình dáng, họa tiết nào thì mỗi phong bao lì xì cũng mang theo một thông điệp về tấm lòng, tình cảm của người trao lì xì đối với người được lì xì. Chúng ta cần phải biết trân trọng.

Lì xì là một nét đẹp truyền thống mà chúng ta cần phải gìn giữ. Đừng bao giờ nghĩ rằng tiền lì xì là “của rơi nhặt được” mà tiêu xài tuỳ tiện, lãng phí. Và cũng đừng bao giờ bĩu môi tỏ ra vẻ khó chịu khi nhận được những phong bao lì xì không “to” như mình mong muốn. Hãy biết thành kính, trang trọng đón nhận và không quên gửi một lời cảm ơn sâu sắc nhất đến ông bà, cha mẹ hay những người đã trao cho chúng ta những phong bao lì xì đầy ý nghĩa. Hãy cố gắng học hành, ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ, thầy cô để không phụ tấm lòng của những bao lì xì đó nhé các bạn nhỏ!


Lê Văn Xuân

Thương lắm, Tết những người xa xứ
Thương lắm, Tết những người xa xứ

Thế là mười năm rồi em làm dâu xứ người, tha phương nơi đất lạ. Cứ mỗi năm Tết đến, Xuân về em lại hướng về Tổ quốc mà nghẹn ngào nhớ mong. Thèm lắm mùi Tết quê hương. Xứ Kim Chi giàu có đủ đầy cũng không khỏa lấp nỗi nhớ quê ngày Tết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN