Giới chức Libya cho biết ngày 13/7 đã xảy ra giao tranh ác liệt tại sân bay quốc tế ở thủ đô Tripoli, khiến hoạt động hàng không tại sân bay này bị gián đoạn. Hãng tin AFP (Pháp) dẫn lời một quan chức Libya xác nhận rocket đã rơi xuống vành đai sân bay và đường băng vào khoảng 6 giờ sáng (giờ địa phương), buộc toàn bộ các chuyến bay nội địa và quốc tế phải tạm ngừng.
Các cuộc đụng độ đã xảy ra sau khi một nhóm tay súng có tên gọi "Nhóm hoạt động của cuộc cách mạng Libya", được cho là cánh vũ trang của phe Hồi giáo trong Đại hội nhân dân toàn quốc (GNC- Quốc hội Libya), tiến vào sân bay và tấn công lực lượng dân quân Zintan đang kiểm soát bên trong.
Trong khi đó, người dân địa phương cho biết đã nghe thấy một số tiếng nổ lớn và tiếng súng kéo dài trong vài giờ. Hiện chưa có báo cáo về thương vong.
Khói bốc lên trong vụ tấn công tại sân bay quốc tế ở Tripoli. Ảnh: THX-TTXVN |
Cuộc giao tranh diễn ra chỉ vài giờ sau khi nhóm dân quân Zintan tuyên bố bàn giao lại toàn bộ 2 sân bay mà lực lượng này kiểm soát kể từ khi nhà lãnh đạo Moamer Gaddafi bị lật đổ năm 2011.
Theo phát ngôn viên của nhóm Zintan, quyết định trên nằm trong một thỏa thuận đạt được với chính phủ trung ương, theo đó các tay súng Zintan sẽ bàn giao sân bay quốc tế Tripoli trong vòng 24 giờ cho lực lượng an ninh trực thuộc Bộ Nội vụ. Trước đó, kênh truyền hình al-Nabaa ngày 12/7 xác nhận một sân bay khác tại Tripoli là Mitiga đã được bàn giao lại cho quân đội chính phủ.
Trong một diễn biến khác, ngày 13/7, Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo cuộc xung đột tại Libya có khả năng "lan rộng" và hối thúc Quốc hội mới của nước này sớm đi vào hoạt động sau cuộc bầu cử gây tranh cãi. Nữ phát ngôn viên bộ trên Jen Psaki cho biết Mỹ kêu gọi Libya sớm triển khai việc soạn thảo hiến pháp mới mà “không bị can thiệp hoặc xảy ra bạo lực”, đồng thời khẳng định Washington sẽ hỗ trợ tiến trình dân chủ tại Libya.
Không có chính phủ và quốc hội hoạt động hiệu quả, Libya hiện phải chật vật đối phó với các nhóm vũ trang và các tay súng bộ lạc. Trong khi đó, các cuộc biểu tình ở các mỏ dầu và hải cảng đã làm suy giảm sản xuất dầu mỏ, huyết mạch của kinh tế Libya, dẫn tới khủng hoảng ngân sách.
TTXVN/Tin tức