Đó là cảm nhận chung của người hâm mộ và cả những người làm nghề về Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 vừa kết thúc tại thành phố biển Hạ Long (Quảng Ninh).
Lễ trao giải Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 diễn ra quá tẻ nhạt. |
Liên hoan phim luôn được kỳ vọng trở thành nơi tôn vinh các tác phẩm điện ảnh có giá trị, tôn vinh các nhà làm phim Việt. Với Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 cũng vậy. Công chúng kỳ vọng sẽ tìm ra được những nhân tố mới, đột phá để xua đi sự tẻ nhạt như những LHP được tổ chức trước đó. Thế nhưng, sự kỳ vọng và mong mỏi ấy đã không được đáp ứng thỏa đáng, bởi thực tế liên hoan phim lần này đã phản ánh một thực tế là cả khâu tổ chức tới chất lượng phim còn chưa tương xứng so với tiềm năng sẵn có. Mọi hoạt động tại Liên hoan phim 18 đều diễn ra vội vã, khiến rất nhiều người có nhận xét rằng: Hình như các nhà tổ chức cố làm cho xong. Từ lễ khai mạc, đến lễ bế mạc và trao giải đều diễn ra một cách chóng vánh, không để lại một chút ấn tượng nào.
Thất vọng hơn cả là lễ trao giải. Không chỉ sơ sài về kịch bản, mà còn vô số những hạt sạn của những người dẫn chương trình (MC) trong suốt thời gian diễn ra lễ trao giải. Ngoài những nhầm lẫn thường thấy ở các nghệ sỹ mỗi khi phải phát ngôn trực tiếp, phải đứng trên sân khấu đối thoại, còn thấy những lúng túng của họ khi đọc sai, đọc nhầm, thậm chí... quên đọc tên phim đoạt giải ở thể loại phim nào.. Chưa hết, chương trình nghệ thuật của lễ khai mạc cũng như lễ bế mạc đều diễn ra tẻ nhạt, thiếu sự gắn kết. Không có sự giao lưu nào với khán giả, không có điểm nhấn nào suốt trong thời gian diễn ra liên hoan phim.
Người nhận giải muốn phát biểu thì không được nói. Người không có ý kiến gì và sắp rời sân khấu thì được MC mời trở lại để phát biểu; nhiều nghệ sĩ được xướng tên nhận giải, nhưng lại không có mặt... Trên thế giới, nói đến liên hoan phim, ai được mời tham dự sẽ là niềm vinh dự lớn lao. Nhưng với các nhà làm phim Việt Nam, rất nhiều người khi được mời đã viện đủ lý do để vắng mặt. Đáng lẽ liên hoan phim phải là nơi tập hợp được đông đảo giới làm nghề. Nhưng tại Liên hoan phim Việt Nam 18 đã tạo ra cái nhìn thiếu thiện cảm cho khán giả lẫn những người làm nghề. Rất nhiều tên tuổi từng làm mưa làm gió của điện ảnh Việt Nam đã không xuất hiện, khiến cho không khí của liên hoan phim càng thêm tẻ nhạt. Một đạo diễn có phim giành giải Bông sen vàng nhận xét rằng, chưa thấy liên hoan phim nào mà không khí lại tẻ nhạt như Liên hoan phim 18. Khâu tổ chức quá luộm thuộm, thiếu chuyên nghiệp. Các hoạt động nằm trong khuôn khổ liên hoan phim như triển lãm, hội thảo... không thu hút sự quan tâm của khán giả. Không khí liên hoan phim khá buồn lặng, thậm chí rất nhiều người dân địa phương không biết liên hoan phim Việt Nam được tổ chức tại đây. Ở các rạp chiếu phim tham dự liên hoan, dù miễn phí, đã quá giờ chiếu đến 30 phút, nhưng số ghế trống vẫn chiếm già nửa rạp. Lo ngại về sự thiếu vắng khán giả, Ban tổ chức còn gửi giấy mời tới các trường học, đề nghị nhà trường sắp xếp lịch, tổ chức cho học sinh đi xem phim như một hình thức tổ chức hoạt động ngoại khóa!!!
Có ý kiến cho rằng Quảng Ninh không phải là đất để tổ chức liên hoan phim và ý kiến đó đáng để các nhà quản lý suy nghĩ. Có lẽ đây là bài học để các nhà tổ chức rút kinh nghiệm, không nên đưa liên hoan phim đi “lưu diễn” nữa, mà chỉ nên tập trung ở các thành phố lớn mà ở đó đời sống điện ảnh đã thực sự ăn sâu vào đời sống của người dân (như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh).
Những gì diễn ra tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18, có ý kiến đề nghị Cục Điện ảnh nên lập một ban chuyên biệt tổ chức liên hoan phim để khâu chuẩn bị chủ động hơn.
Cũng cần xem xét lại tần suất tổ chức các cuộc liên hoan phim, không nên tổ chức 2 năm một lần như hiện nay, vừa tốn kém, vừa không tạo được hiệu ứng tích cực trong đời sống xã hội? Bởi hiện nay, xen kẽ với các kỳ liên hoan phim, còn có Giải thưởng Cánh diều vàng, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (2 năm/lần)... và vẫn chỉ từng ấy khuôn mặt, từng ấy phim tham dự. Nên chăng, liên hoan phim quốc gia trở lại tần suất 3 năm/lần như trước đây!
Yến Nhi