Lo ngại an toàn thực phẩm đường phố

“Đề án cải thiện an toàn thực phẩm (ATTP) đường phố đối với dịch vụ ăn uống tại 176 phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2013-2015” đã triển khai được gần một năm, nhưng công tác đảm bảo ATTP thức ăn đường phố vẫn chưa có sự chuyển biến rõ nét.


Nhan nhản vi phạm


Trước cổng chợ Nhà Xanh (đường Xuân Thủy), hàng rong nhiều “nhan nhản”, cứ cách 2 - 3 m lại có một “quán ăn di động”. Đồ ăn ở đây rất đa dạng, từ xúc xích, bì viên, bò bía... đến bún, phở, chè, hoa quả dầm… món nào cũng bắt mắt, thơm lừng nên quán nào cũng đông nghịt người. Tất nhiên, ít ai để ý rằng tất cả các món ăn này đều được chế biến ngay trên vỉa hè với xung quanh là giấy ăn, túi nilon, rác thải vương vãi, đồ ăn cũng không được che đậy nên hứng trọn bụi đường, đa phần người bán hàng cũng không đeo găng tay. Ngoài ra, các loại đồ ăn trên đều chấm với tương ớt “ba không” (không nhãn mác, hạn sử dụng, nguồn gốc). Các loại hoa quả dầm như xoài, cóc được trộn bằng gói bột mà theo lời người bán hàng là bột ớt.
Trần Lan Hương, sinh viên trường Đại học Công nghiệp chia sẻ: “Nhìn đồ ăn ngon và rẻ nên chúng em rất thích, ăn vào cũng không thấy vấn đề gì”.


Nhiều quán ăn hè phố mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Tại phố Nghĩa Tân, phố Tô Hiệu, những nơi được coi là “thiên đường ăn đêm” của các bạn trẻ, tình trạng mất an toàn thực phẩm cũng diễn tương tự. Với rất nhiều món ăn “hot” như: Đồ nướng, thịt xiên, lẩu... nên “thiên đường ăn đêm” này lúc nào cũng nhộn nhịp. Các thực khách cũng chẳng phàn nàn gì khi rau sống còn lẫn vài cọng cỏ nguyên gốc, nầm nướng có mùi tanh, hay giấy, rác từ các bàn ăn thải xuống mỗi lúc đầy dưới chân. Đặc biệt, phần lớn khay đựng nguyên liệu không được che đậy gì, một vài quán ăn có tủ kính nhưng lại mở cửa nên ruồi nhặng bu vào thức ăn khá nhiều. Đáng sợ hơn cả là khi chứng kiến cảnh rửa bát của các quán ăn đường phố; hàng chồng bát lớn được rửa trong một vài chậu nước nhỏ nên ngay chậu sạch nhất thì nước cũng đã đục màu, sóng sánh váng mỡ… Theo quan sát của phóng viên báo Tin Tức, hầu hết nhân viên phục vụ các quán ăn đều không mang găng tay vệ sinh khi phục vụ đồ ăn cho khách. Trên các tấm biển, tại khu vực bán hàng cũng không có bất cứ chứng nhận gì về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó cũng là tình trạng chung tại nhiều quán ăn đường phố trên các tuyến phố ẩm thực về đêm như Phùng Hưng, Quán Thánh, Núi Trúc...


Cần xử lý nghiêm


Theo “Đề án cải thiện ATTP đường phố đối với dịch vụ ăn uống tại 176 phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2013 - 2015” (Đề án ATTP), mỗi phường, thị trấn của Hà Nội sẽ xây dựng 1 tổ giám sát ATTP để thực hiện tuyên truyền, tư vấn, vận động người kinh doanh dịch vụ ăn uống, người tiêu dùng thực hiện tốt các tiêu chí về đảm bảo ATTP. Bên cạnh đó, các tổ này còn phải tăng cường giám sát để phát hiện kịp thời những tồn tại của các cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn.


Đề án “Triển khai mô hình cải thiện ATTP đối với dịch vụ ăn uống tại các phường, thị trấn của 29 quận, huyện, thị xã thành phố Hà Nội giai đoạn 2013 - 2015” đã được thành phố Hà Nội triển khai vào tháng 8/2013. Các mục tiêu được đặt ra gồm: 100% phường, thị trấn của 29 quận, huyện triển khai mô hình; trên 75% người chế biến dịch vụ ăn uống thực hành đúng các quy định ATTP; trên 75% người tiêu dùng có kiến thức và biết cách lựa chọn cơ sở dịch vụ đảm bảo ATTP; trên 85% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP…

Trao đổi với chúng tôi, đại diện phòng y tế của một số quận, huyện thẳng thắn chia sẻ, tổng kinh phí thực hiện Đề án ATTP là 35,7 tỷ đồng, tuy nhiên khi phân bổ cho 176 phường, thị trấn trong 3 năm thì… không thấm tháp gì. Chẳng hạn, với số tiền được phân bổ trong năm 2013 là 8 tỷ đồng, nếu đem chia cho 176 phường, thị trấn thì mỗi phường chỉ được khoảng 60 triệu đồng. Vậy nên, số tiền này chủ yếu được chi cho công tác khám chữa bệnh, cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.


Ông Lê Đức Thọ, Chi Cục trưởng Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội cũng cho biết: Khó thuyết phục các địa phương và cơ sở kinh doanh triển khai Đề án ATTP. Đến nay, ít có chủ cơ sở kinh doanh ăn uống thực hiện đầy đủ những tiêu chí tưởng chừng rất đơn giản như: Ghi chép đầy đủ nguồn gốc thực phẩm hàng ngày, đeo găng tay khi chế biến thức ăn… Trong khi đó, cán bộ phụ trách công tác ATVSTP tại các phường, thị trấn đều kiêm nhiệm, có sự luân chuyển thường xuyên nên ảnh hưởng đến việc quản lý hoạt động chuyên môn. Các cơ sở thức ăn đường phố thường thay đổi vị trí nên khó quản lý, khó tổ chức tập huấn khám sức khỏe người chế biến, thậm chí khó thực hiện việc xét nghiệm định kỳ nguồn nước chế biến…


Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, điều quan trọng là cần phải xử lý nghiêm các vi phạm về ATVSTP, không để tình trạng chỉ nhắc nhở, không xử lý đối với các vi phạm ATTP tại các tuyến xã, phường như những năm trước. Chỉ khi nào tiến hành xử phạt nặng thì chủ kinh doanh ăn uống hè phố mới chấp hành quy định. Bên cạnh đó, người tiêu dùng mạnh dạn tố giác các vi phạm ATTP của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; không chấp nhận những sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng...


“Thức ăn đường phố thuận tiện cho người tiêu dùng, giá rẻ, chủng loại đa dạng, phong phú, tiết kiệm thời gian. Mặt trái là thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ không đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nguyên liệu không được lựa chọn kỹ, nơi bán hàng gần những nơi dễ ô nhiễm, gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng và giao thông, môi trường và mỹ quan đô thị. Vì vậy, chủ đề của Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP năm nay được lựa chọn là “ATTP thức ăn đường phố” (diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5). Và để Đề án ATTP đường phố phát huy hiệu quả phải có sự vào cuộc của chính quyền cơ sở cấp phường, thị trấn. Thời gian tới, ngành y tế cũng sẽ tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm ATTP đường phố”, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định.

 

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội: “Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền” Để nâng cao nhận thức của mọi người dân về công tác ATTP, các các cấp, ngành, địa phương Hà Nội đa dạng hóa công tác tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau, truyền thông cộng đồng, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về ATTP như sản xuất rau an toàn, thực phẩm sạch, người tiêu dùng thông thái, thức ăn đường phố… Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần tăng cường thanh, kiểm tra, kiểm nghiệm, giám sát hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP, thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông sản không đảm bảo an toàn; kiên quyết xử lý vi phạm, nhất là kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

 

Ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng Phòng Y tế thị xã Sơn Tây: “Xử lý vi phạm mới chỉ ở mức nhắc nhở” Là địa phương với nhiều điểm di tích, lịch sử văn hóa phong phú, thị xã Sơn Tây là nơi tập trung lượng lớn du khách, người dân đến ăn uống và nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm về ATTP còn ở mức độ nhắc nhở, răn đe là chính, chưa áp dụng hình thức mạnh. Do đó, việc chuyển biến của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong việc thực hiện các quy định điều kiện ATTP còn mang tính hình thức. Khi có đoàn kiểm tra nhắc nhở thì họ thực hiện, sau một thời gian “đâu lại vào đấy”. Hơn thế, một số phường, thị xã, chính quyền chưa thực sự quan tâm chỉ đạo việc kiểm tra giám sát thực hiện, thậm chí địa phương còn mang nặng tư tưởng, đây là công việc của ngành y tế.

 

Anh Nguyễn Xuân Quỳnh, Chủ nhà hàng Viet Kichen: “Phụ thuộc chính vào ý thức chủ cửa hàng” Quán ăn vỉa hè, đường phố luôn gây tò mò với khách du lịch nước ngoài nhưng họ luôn lo ngại vấn đề vệ sinh ATTP. Chính vì vậy, họ chỉ thưởng thức tại những quán có bảo đảm hoặc chỉ ăn uống những đồ đóng sẵn. Việc thực hiện đảm bảo ATTP vẫn phụ thuộc vào chính chủ cửa hàng. Khi Hà Nội thực hiện phố đi bộ mở rộng từ Hàng Đào sang Hàng Buồm, Mã Mây, Hàng Bạc, trong đó có phố ẩm thực hè phố, thì công tác vệ sinh ATTP cần được coi trọng hơn, như vậy cũng mới thu hút được thực khách gần xa.

 
Xuân Minh - Ánh Tuyết
Cấp cứu nhiều ca ngộ độc thực phẩm
Cấp cứu nhiều ca ngộ độc thực phẩm

BS Đàng Năng Mấn, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện (BV) Giao thông vận tải tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Sáng 11/4, BV vừa tiếp nhận thêm 4 ca cấp cứu do ngộ độc thực phẩm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN