Năm 2010, Công ty cổ phần Phúc Kim Tân được các bộ, ngành Trung ương cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án thủy điện Đắk Prot có công suất 2 MW trên địa bàn xã Đắk Nhoong, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum. Sau khi tổ chức khởi công rầm rộ thì công trình này bắt đầu... chuyển hướng.
Hiện trường vẫn tấp nập hoạt động khai thác vàng trái phép. |
Trong một thời gian dài, chủ đầu tư đã mang máy xúc, máy đào, máy ủi mượn danh khai hoang, san ủi mặt bằng cho công trình để tận thu vàng sa khoáng. Chính vì vậy đến nay dự án vẫn còn trì trệ. “Đang thi công phần phụ trợ, nhà quản lý, đường phục vụ thi công” là kết luận của UBND huyện về thực trạng công trình này, dù công trình đã thi công 2 năm qua và quá hạn hoàn thành (dự kiến là năm 2012). Theo văn bản số 132/BC - UBND của UBND huyện Đăk Glei ngày 26/6/2013 thì “việc khai thác vàng trên là do chủ đầu tư quản lý không chặt nên đã để cho đơn vị thi công (Công ty cổ phần Ánh Dương) lợi dụng khai thác vàng sa khoáng trái phép trong vùng dự án. Hiện nay tình trạng này đã chấm dứt... .”. Công trình cả 2 năm thi công ì ạch, chỉ lo khai thác vàng nhưng chủ đầu tư không biết, phó mặc cho đơn vị thi công, kể cũng lạ!?
Lý giải về việc chậm phát hiện sự việc trên, ông Nguyễn Phúc Phận, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glei cho rằng: “Việc lợi dụng làm thủy điện để khai thác vàng trái phép phát hiện muộn là do thủy điện ở vùng sâu, vùng xa, qua nhiều kênh mới đến được huyện, huyện mới xử lý được. Khi có thông tin chúng tôi kịp thời xử lý không có sự kéo dài”.
Trong văn bản trên UBND huyện cũng khẳng định tình trạng khai thác vàng ở vùng dự án này đã chấm dứt. Tuy nhiên, thực tế khi phóng viên đến, hiện trường vẫn còn ngổn ngang, máy móc khai thác vàng ở nơi đây vẫn để công khai. Ngoài ra, theo phản ánh người dân thì ở trên núi (cách hơn 10 km), mấy tháng qua có nhiều người dân ở các nơi khác vào khai thác vàng. “Vàng tặc” chủ yếu khai thác vào chiều tối đến sáng sớm hôm sau. “Chúng làm vàng đồi chứ không vàng sình (vàng sa khoáng)”, một người làm rẫy ở đây cho biết.
Để phục vụ cho đội quân “vàng tặc” này, hàng ngày đều có người chuyên phục vụ chở thức ăn vào tận lán. Xe máy đều phải quấn xích ở lốp mới vào nổi. Theo phản ánh của dân trong vùng thì mỗi chuyến xe máy chở thức ăn vào được chúng trả tiền công là 500.000 đồng. Mỗi ngày vào 2 - 3 chuyến.
Tin, ảnh: Cao Nguyên