Tháng 8 ở xã La Pán Tẩn của huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái), mưa trút xuống từng đợt dai dẳng... Những con đường bê tông ở thôn bản bỗng chốc sình lầy do đất đá từ taluy hai bên đường dội xuống, “ngoạm” hết đường đi. Các con đường vì vậy bị sình lầy, khó đi. Nhưng tất cả điều ấy chẳng thể ngăn những bàn chân nối nhau rạch bùn trong đêm, hướng về lớp học xóa mù chữ ở các thôn bản xa xôi, hẻo lánh nằm lưng chừng ngọn núi Cha hùng vĩ này. Khu danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải nằm ở các xã Dế Xu Phình, Chế Cu Nha và La Pán Tẩn, ngay dưới chân núi Cha, đỉnh núi cao nhất khu vực này. Đã có vài lần đến La Pán Tẩn công tác và lần nào tôi cũng cảm nhận được sự thay đổi nơi đây. Những con đường bê tông đến các thôn, bản dài hơn; thêm nhiều mái nhà khang trang hơn đã mọc lên; thêm nhiều con mương dẫn nước nội đồng được kiên cố hóa, uốn lượn quanh co theo những thửa ruộng bậc thang rồi “chạy” vút lên đỉnh núi Cha, dẫn nước đầu nguồn về tắm mát cho cả vùng lúa, ngô rộng lớn. Có được điều này là nhờ những chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, là kết quả bước đầu của phong trào xây dựng nông thôn mới cùng sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân trong xã.
Tuy nhiên, hiện nay La Pán Tẩn vẫn còn là xã nghèo. Toàn xã có 5 hộ thì có đến 5 hộ nghèo và 57 hộ cận nghèo và 100% là đồng bào dân tộc Mông. Nói về cái nghèo của xã mình, Phó Chủ tịch Giàng A Thênh nói, ngoài khó khăn về thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, còn có khó khăn là nhận thức không đồng đều của nhân dân, nhiều người vẫn không biết chữ, không nói được tiếng phổ thông. Thống kê mới nhất cho thấy, tỷ lệ người dân mù chữ trong độ tuổi từ 15 – 60 tuổi còn khá cao, chiếm gần 1/5 dân số toàn xã. Bởi vậy, việc xóa mù chữ cho đồng bào được xã xác định la giải pháp để nâng cao hiểu biết cho người dân.
Từ thực tế đó, năm 2013, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải thí điểm mở 5 lớp xóa mù chữ trên địa bàn xã La Pán Tẩn với 159 học viên. Sau 9 tháng, học viên đã thành thạo các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và làm các phép tính cộng, trừ, nhân chia đơn giản trong phạm vi 1000. Từ thành công này, năm nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tiếp tục tổ chức 8 lớp học khác ở 4 xã là La Pán Tẩn, Púng Luông, Khao Mang và Nậm Khắt.
Khi biết chúng tôi muốn được dự lớp học xóa mù chữ ở điểm trường bản Trống Tông, cô Nguyễn Thị Hiền, hiệu trưởng Trường tiểu học La Pán Tẩn nói: Bà con ở đây ham học lắm. Dù bản Trống Tông cách trụ sở UBND xã không xa lắm, nhưng trời nắng đi xe máy cũng phải mất chừng 10 phút, còn trời mưa thì hơn nửa tiếng mới đến nơi, có nhiều đoạn xe máy còn chẳng “bò” qua nổi. Mấy hôm trước trời mưa, hôm nay có nắng nhưng chắc vẫn khó đi lắm.
Sau gần nửa giờ đi bằng xe máy và cuốc bộ, chúng tôi đã có mặt tại điểm trường Trống Tông lúc 19 giờ, khi đó đã có một số học viên đến lớp. Trò chuyện với 2 người đàn ông đang ngồi ở bàn học cuối lớp, chúng tôi được biết một anh tên Giàng A Nhà (42 tuổi) và một anh là Lý A Thào (36 tuổi) đều ở bản Hấu Đề nhưng lặn lội vượt quãng đường gần 6 km để sang bản bên này học chữ. Hai anh tâm sự, lúc đầu đi học cũng ngại, xấu hổ lắm… nhưng không biết cái chữ thì còn xấu hổ hơn.
Giàng A Nhà còn cho biết, nương của mình cạnh nương của anh Câu. Mùa ngô trước cùng trồng giống cán bộ cho, cùng tưới chung một nguồn nước, thế mà bắp ngô trên rẫy nhà anh Câu lại to hơn bắp ngô trên rẫy nhà mình vì anh Câu học được cách chăm ngô ở trong sách. Giàng A Nhà cũng tâm sự: Cái tay quen cầm con dao, cái cầy, cái cuốc, cầm cả buổi chả mỏi. Cái bút bé như cây lúa thế mà khó bảo quá,... cầm một lúc đã mỏi cái tay lắm. Bây giờ cái bút cũng "ngoan" rồi, mình muốn viết gì thì nó cũng nghe. A Nhà dứt lời thì mọi người đều cười ồ lên rồi gật gù công nhận.
Lúc này lớp học cũng khá đông và đa phần là phụ nữ. Tôi đến bàn trên, nơi hai cô gái trẻ đang cười và nói chuyện với nhau bằng tiếng Mông. Bằng sự tự tin với vốn tiếng Việt của mình, một cô gái trẻ giới thiệu mình là Giàng Thị Sày (17 tuổi), còn co bên cạnh là Thào Thị Sua, 19 tuổi, là chị dâu của Sày, đều ở bản Trống Tông.
Sày kể: “Trước em học hết lớp 3 thì bố mẹ bảo học thế đủ rồi. Ở nhà lên ruộng, nương mà học cấy lúa cấy ngô. Thế là cái chữ, cái số cứ theo hạt ngô, cây lúa mà rơi dần xuống đất, mở sách ra thì chỉ thấy quen quen mà không đọc được. Khi biết chị dâu đi học xóa mù thì em cũng xin đi để nhớ lại cái chữ ”.
Thầy giáo Lý A Thang, người trực tiếp dạy lớp xóa mù chữ và cũng là người con của bản Trống Tông khẳng định: Trường hợp tái mù chữ như Sày không phải hiếm. 7 năm dạy học ở đây thầy đã chứng kiến nhiều trường hợp học sinh bỏ học giữa chừng, trong đó nhiều em đang học rất khá. “Rất may, bây giờ người dân đã nhận thức được cái chữ quan trọng thế nào nên dù vất vả thế nào thì tôi cũng rất vui và sẽ cố gắng. Nhiều từ học viên không hiểu, tôi lại phải dùng tiếng dân tộc để giải nghĩa thì anh chị em mới hiểu”.
19 giờ 30 phút, lớp học bắt đầu. Phá tan sự tĩnh lặng của đêm tối nơi miền sơn cước là những tiếng đánh vần đồng thanh rồi những nét chữ dần hiện ra cùng nụ cười trên nét mặt rạng ngời của các học viên. Trong số đó, có người chưa từng đến lớp, có người đã đi học rồi nhưng lại quên hết chữ, bây giờ lại được học, được tiếp cận với sách vở, ai cũng háo hức và phấn khởi. Từ những người không biết đọc, không biết chữ, giờ đây sau gần 2 tháng, họ đã viết được tên của mình. Cả ngày lao động vất vả, con đường đến lớp lại khó đi, nhưng các học viên của lớp vẫn rất ham học,
Nhìn ra phía trước sân trường, tôi thấy khoảng chục đàn ông, thanh niên đang ngồi bàn tán. Hỏi ra mới biết người thì đưa em đi học, người thì đưa vợ đi học, có chàng lại đưa người yêu đi, thậm chí có anh thanh niên đưa mẹ đi học lớp xóa mù chữ.
23 giờ, tiếng trống kết thúc buổi học vang lên. Những ánh đèn pin, đèn xe máy của những người yêu cái chữ nhìn lấp lánh như những vì sao trên khắp các nẻo đường. Lúc này trăng non đầu tháng cong cong như chiếc liềm của đồng bào Mông đang nhô khỏi đỉnh núi Cha hùng vĩ.
Trung Kiên