Trong khi công tác khắc phục, tái sản xuất của người dân sau trận lũ này còn gặp khó khăn thì vào rạng sáng ngày 4/8, do mưa lớn kéo dài, lũ lớn lại xuất hiện càng gây thiệt hại về nông nghiệp đối với người dân trên địa bàn nhiều hơn, công tác khắc phục càng khó khăn hơn.
Ngày 4/8, khảo sát trên suốt chiều dài hàng chục km suối Nậm Ngám đoạn chảy qua địa phận xã Núa Ngam, sau cơn lũ đi qua là cảnh ruộng lúa hai vụ dọc hai bên suối của người dân bị phá vỡ bờ bao, tiếp tục bị cuốn trôi, xói mòn lớp đất mặt, nhiều diện tích lúa bị đất đá vùi lấp. Hệ thống ống dẫn tưới tiêu của đồng ruộng cũng bị tàn phá; tình trạng sạt lở đất ruộng vẫn tiếp tục xảy ra.
Chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần tính từ thời điểm đêm 22 rạng sáng ngày 23/7, hai trận lũ nối tiếp nhau tàn phá diện tích lúa khiến người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn trong cải tạo, phục hồi ruộng, tái gieo trồng, sản xuất nông nghiệp.
Bác Vi Văn Nang, bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: Trời mưa to lắm nên lũ về rất mạnh, ngập hết diện tích lúa của nhân dân chúng tôi. Giờ phải thuê máy xúc về san ủi mới lấy lại được mặt bằng của ruộng như trước, nhưng như thế sẽ rất tốn kém, mất nhiều thời gian. Nhưng cải tạo được thì không thể tiếp tục cấy lúa được vì không kịp thời vụ nữa mà phải trồng giống cây khác. Trồng cây khác rồi chúng tôi cũng sợ lũ lại về tàn phá.
Theo thống kê sơ bộ của chính quyền xã Núa Ngam, ngoài hơn 10 ha lúa hai vụ ven suối Nậm Ngám đã bị tàn phá, hư hại gần như hoàn toàn, một số diện tích ngô nương bị đổ, gãy; một số chuồng trại chăn nuôi ven suối bị cuốn trôi do đợt lũ xảy ra vào rạng sáng ngày 23/7 thì trận lũ xảy ra vào sáng ngày 4/8 cũng làm nhiều diện tích lúa và ngô của người dân trên địa bàn bị phá hỏng. “Lũ chồng lũ” càng khiến chính quyền địa phương và người dân trăn trở hơn trước việc khôi phục, tái sản xuất nông nghiệp.
Ông Cao Đăng Nghị, Phó Chủ tịch UBND xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: Lũ xảy ra rất là nhanh, bất ngờ vì suối Nậm Ngám đoạn chạy qua xã Núa Ngam có độ lớn và xung quanh ven suối có nhiều khe suối nhỏ. Khi lượng mưa rất lớn thì nước đổ dồn xuống, tốc độ nước dâng lên rất nhanh. Chính vì vậy, quá trình xảy ra mưa lũ lớn đã tàn phá, vùi lấp rất nhiều diện tích về nông nghiệp, đặc biệt là lúa và một số cây hoa màu khác. Đến thời điểm này, do không kịp thời vụ để gieo cấy lúa nên chính quyền địa phương sẽ đề nghị cấp trên hỗ trợ nguồn giống; thống nhất đưa ra phương án là lựa chọn cây lạc và một số cây nông nghiệp khác để gieo trồng, đuổi kịp thời vụ.
Cũng theo ông Cao Đăng Nghị, Phó Chủ tịch UBND xã Núa Ngam, khó khăn nhất trong công tác khắc phục là diện tích lúa bị vùi lấp với diện tích nhiều, khối lượng đất đá trên mặt ruộng rất lớn, diện tích ruộng bị lũ cuốn trôi lớp đất mặt cũng lớn, vì vậy việc dùng sức lao động thủ công thì khó có thể làm. Do đó phải thuê phương tiện máy xúc, máy ủi. Quá trình san gạt mặt bằng sẽ mất nhiều thời gian.
Liên quan đến tình hình mưa lũ trên địa bàn xã Núa Ngam, hiện tại mực nước sau lũ trên các con suối qua địa bàn đang chảy rất mạnh, tiềm ẩn những rủi ro khôn lường; thời tiết diễn biến cực đoan, bất lợi. Nhưng do thói quen tập quán sinh hoạt nên người dân địa phương vẫn chủ quan ra sông, suối vớt củi, bắt cá. Trước thực tế này, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trong cộng đồng các thôn bản không được chủ quan với tình hình mưa lũ.
Bước vào mùa mưa lũ, chính quyền địa phương đã yêu cầu các trưởng thôn, bản tuyên truyền, khuyến cáo với người dân khi nước trên các con suối dâng cao hoặc xuất hiện nước lũ thì không được ra suối để vớt củi, đánh bắt cá, vì nguy hiểm đến tính mạng.
Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Điện Biên cho biết, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục vào khoảng 21-23 độ vĩ Bắc nối với vùng áp thấp trên khu vực Bắc Bộ nên ngày 4/8 tỉnh Điện Biên đã có mưa vừa rải rác, có nơi mưa to như Mường Tùng 70 mm, Quảng Lâm 37 mm, Mường Lói 36 mm, Tả Phìn 33 mm, Phì Nhừ 31 mm; Chà Cang 36 mm, Mường Lay 33 mm.... Cảnh báo lũ, lũ quét trên các sông suối; sạt lở đất có khả năng xảy ra trong toàn tỉnh, nguy cơ cao tại các các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên, Điện Biên Đông, thị xã Mường Lay và vùng lân cận.