Trong cột bình luận, phóng viên Vincent Zhover của báo Pháp "Le Nouvel Observateur" cho rằng Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel không muốn thông qua "kế hoạch quá mạo hiểm" của Mỹ nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine.Lãnh đạo Đức, Ukraine và Pháp trong cuộc gặp hôm 5/2. Ảnh: Reuters
|
Theo ký giả Zhover, ông Hollande và bà Merkel đã quyết định thảo luận với chính quyền Ukraine và Nga về kế hoạch giải quyết cuộc xung đột ở Donbass đúng vào thời điểm hiện nay vì họ muốn đi trước Mỹ, nước có ý định gắn phương Tây với kế hoạch hành động của mình, theo đó cung cấp vũ khí cho Kiev. Vincent Zhover viết: "Paris và Berlin không muốn chấp nhận kế hoạch mà họ cho là quá rủi ro của Mỹ".
Theo tác giả, Tổng thống Pháp Hollande và Thủ tướng Đức Merkel muốn đưa ra quan điểm giải quyết vấn đề bằng biện pháp ngoại giao trước khi Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đề nghị "giải pháp vũ lực" tại hội nghị Munich vào ngày 7/2.
Đêm 5/2, hai nhà lãnh đạo trên đã gặp Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Ngày 6/2, theo kế hoạch họ sẽ tới Moskva, thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin về giải pháp trong khuôn khổ thỏa thuận Minsk.
Việc triển khai lính mũ nồi xanh tới Ukraine do HĐBA quyết địnhNgày 6/2, Phó Phát ngôn viên Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ), ông Farhan Haq cho biết quyết định phái lực lượng gìn giữ hòa bình của tổ chức này tới miền Đông Ukraine phải do Hội đồng Bảo an (HĐBA) thông qua, tuy nhiên hiện chưa có yêu cầu thực thi một sứ mệnh như vậy.
Ông Haq nêu rõ: "Quyết định về bất cứ sự hiện diện nào của lực lượng gìn giữ hòa bình phải do các thành viên HĐBA LHQ thông qua. Trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi chưa thảo luận vấn đề này trong HĐBA".
Ông giải thích để đưa ra quyết định triển khai lực lượng của LHQ cần có yêu cầu của nước liên quan cũng như sự ủy nhiệm từ HĐBA và "cả 2 điều này chúng ta đều không có vào thời điểm hiện tại".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich tối 5/2 cho biết vấn đề phái lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tới Ukraine đã được thảo luận ở "cấp chuyên viên".
Trước đó, OSCE đã đề xuất phái binh sĩ gìn giữ hòa bình tới Donbass. Khi đó, Chủ tịch Hội đồng Nghị viện OSCE cho rằng lực lượng quốc tế là phương án được chờ đợi hơn sau thỏa thuận Minsk-2.
TN