Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 với các địa phương mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã cho biết, trong 6 tháng đầu năm, dự trữ ngoại hối quốc gia tiếp tục gia tăng, đạt mức xấp xỉ 42 tỷ USD.
Ngân hàng tăng mua USD giúp giảm bớt thanh khoản dư thừa và giúp DN hưởng lợi từ lãi suất và tỷ giá USD. |
Đây tiếp tục là mức cao nhất từ trước tới nay, sau khi quy mô dự trữ ngoại hối đã đạt được khoảng 41 tỷ USD vào cuối 2016.
Trong lịch sử, quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia được công bố tại một số thời điểm. Như vào tháng 6/2008 ở mức 20,7 tỷ USD. Đến tháng 1/2011, theo số liệu của một số tổ chức nghiên cứu tổng hợp lại, quy mô này giảm mạnh và chỉ còn khoảng 12,58 tỷ USD. Đến cuối 2012 gia tăng trở lại, đạt khoảng 22 - 23 tỷ USD.
Với số liệu trên, trong nửa đầu năm nay, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng thêm khoảng 1 tỷ USD. Kết quả này đặt trong điều kiện nhập siêu đã quay trở lại, nhưng tỷ giá được giữ khá ổn định. Cũng trong 6 tháng đầu năm, thị trường ghi nhận ba lần NHNN nâng giá mua vào USD vào trong tháng 1, tháng 4 và tháng 6.
Lí giải vì sao NHNN tăng dự trữ ngoại hối, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là động thái NHNN gián tiếp bơm tiền ra hệ thống để ổn định lãi suất trên thị trường 1 và giảm lãi suất trên thị trường 2. Đó cũng là lí do NHNN có 2 công văn giảm lãi suất 0,25% - 0,5% ở lãi suất điều hành và lãi suất cho vay ngắn hạn thuộc các lĩnh vực ưu tiên.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, mặc dù thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng khá dồi dào nhưng lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn thị trường cuối năm 2016 vẫn chưa giảm được so với kỳ vọng. Nguyên nhân là do dư thừa thanh khoản trên thị trường 2 trong ngắn hạn, trong khi cơ cấu cho vay của các ngân hàng chủ yếu là trung, dài hạn.
Ngoài ra, có sự phân hóa trong khả năng huy động vốn trên thị trường 2 khi một số tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong việc vay vốn trên thị trường 2 do thiếu tín nhiệm và không đủ tài sản đảm bảo để vay đối ứng. Do đó, các ngân hàng nhỏ mất cân đối vốn phải huy động trên thị trường 1 với lãi suất cao hơn các NHTM lớn, dẫn đến tăng mặt bằng lãi suất bình quân toàn thị trường.
Ngoài ra, theo phân tích của chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín, động thái mua USD tích trữ của NHNN cũng giúp các doanh nghiệp hưởng lợi, kể cả các doanh nghiệp xuất khẩu. Bởi khi lãi suất cho vay giảm, các doanh nghiệp vay có liên quan đến tiền Việt Nam đồng tất nhiên sẽ có lợi.
Thêm nữa, khi NHNN tăng mua USD, một mặt sẽ vét lượng USD dư thừa trong nền kinh tế, mặt khác vô hình chung tạo lực cầu USD ngoài thị trường, từ đó giúp tỷ giá USD/VND tăng lên. Như vậy, doanh nghiệp xuất khẩu chắc chắn sẽ có lợi hơn từ động thái này của NHNN, đồng thời khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu.