Hát lại những ca khúc nhạc xưa luôn là sự mạo hiểm với các ca sĩ trẻ. Không phải ai cũng đủ can đảm “làm mới” một ca khúc cũ. Nhưng đã có một vài ca sĩ dám chọn con đường này với mong muốn cháy bỏng chạm được đến trái tim người nghe…
Mạo hiểm làm mới
Những ca khúc nhạc xưa đã in dấu trong trái tim người nghe nhiều thế hệ luôn được coi là những “tượng đài” về nghệ thuật. Không chỉ sâu sắc về ca từ mà phần giai điệu của các ca khúc xưa cũng đầy tính sáng tạo. Dễ thấy, nếu một ca sĩ không có nội lực, không được đào tạo bài bản về thanh nhạc thì rất khó để hát được hay những ca khúc này. Hoặc giả nếu có hát mà giọng không tới thì chỉ làm mất đi giá trị của ca khúc, đồng thời cũng tự để lộ cái yếu của mình. Bởi thế, không phải ca sĩ nào cũng dám lựa chọn những ca khúc này để hát. Thêm nữa, đã có nhiều ca sĩ gạo cội được “đóng đinh” với những ca khúc này. Vượt qua được họ để tạo ấn tượng riêng của mình trong lòng khán giả là điều không hề đơn giản.
Ca sỹ Tùng Dương đã đem đến sức sống mới cho bài "Chiếc khăn Piêu". |
Khó nhưng không có nghĩa là không dám làm. Thời gian qua, một vài ca sĩ trẻ đã can đảm “làm mới” những ca khúc nhạc xưa. Có thể kể đến những cái tên như Thái Thùy Linh với album vol3 “Bộ đội” gồm những ca khúc cách mạng; Quang Dũng với “Đố ai” (nhạc sĩ Phạm Duy)... Sở dĩ các ca sĩ chọn hát những ca khúc đã “đi cùng năm tháng” là bởi từ lâu họ đã yêu thích những ca khúc này. Như Thái Thùy Linh chia sẻ: “Từ bé Linh đã tham gia các hoạt động, phong trào của đoàn, đội, lớn lên lại tham gia các hoạt động của sinh viên, thanh niên. Những buổi sinh hoạt ấy, những ca khúc cách mạng hào hùng luôn được vang lên. Cũng từ ấy, chúng đã “ngấm vào trong máu” cô ca sĩ Sai Mai điểm hẹn. Bởi vậy, Linh rất muốn được hát những ca khúc này”.
Tuy nhiên, không thể hát lại những ca khúc cũ với bản phối cũ, các ca sĩ đều muốn đem đến hơi thở mới cho ca khúc nhạc xưa. Những bản phối mới là lựa chọn tốt nhất. Thái Thùy Linh “làm mới” nhiều tác phẩm như “Hò kéo pháo” (Hoàng Vân), “Dậy mà đi” (Nguyễn Xuân Tân), “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam” (Văn Chung)... bằng cách phối những ca khúc này theo phong cách pop-rock. Tùng Dương, nam ca sĩ có phong cách lạ, thường gắn liền với những sáng tác mới thuộc dòng nhạc dân gian đương đại thời gian qua cũng “lột xác” với việc hát lại những ca khúc nhạc xưa. Tùng Dương chia sẻ: “Có rất nhiều những sáng tác tuyệt vời trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, không nên bỏ phí”. Quả thực, hát lại những ca khúc đã “đi cùng năm tháng” cũng là cách để củng cố hơn nữa sức sống lâu bền của những ca khúc này.
Không riêng các ca sĩ muốn “làm mới” các sáng tác cũ, chính các nhạc sĩ - cha đẻ của những bài hát nhạc xưa cũng luôn mong muốn ca khúc của mình được thế hệ trẻ thể hiện. Nhạc sĩ Doãn Nho, tác giả “Chiếc khăn Piêu” tâm sự: “Khi Tùng Dương hát “Chiếc khăn Piêu”, bản phối hoàn toàn khác so với trước kia, nhưng tôi vui vì điều đó. Để khơi lại những tác phẩm đã sống cùng bao thế hệ, rất cần sự đóng góp của thế hệ trẻ”.
“Cách tân” không dễ
Khán giả bây giờ được đánh giá là dễ tính khi nghe, nhưng khi “động” vào những “tượng đài” đã có sẵn thì họ lại không hề dễ tính. Nhiều ca sĩ đã thử sức với nhạc xưa, nhưng trường hợp thành công như của Tùng Dương với “Chiếc khăn Piêu” quả là hiếm hoi. Trước Tùng Dương, “Chiếc khăn Piêu” đã gắn liền với tên tuổi của Kiều Hưng, nhưng khi Dương hát, khán giả đã chấp nhận, thậm chí yêu thích. Thành công này, ngoài một giọng hát đầy nội lực, được đào tạo bài bản và luôn có sự trau dồi, luyện tập của Tùng Dương thì không thể không kể đến tài năng của nhạc sĩ phối khí. Nguyên Lê quả đã thổi hơi thở mới, đặc biệt nhưng lại rất hợp với “Chiếc khăn Piêu”…
Thổi hơi thở mới cho ca khúc cũ là điều đáng được khuyến khích. Luôn có những “tượng đài” mới bên cạnh những “tượng đài” cũ. Nhưng con đường nào cũng rất cần sự khổ luyện và kiên trì. Một vài bước đi ban đầu chưa thành công, không có nghĩa là dừng hẳn. Các ca sĩ cần có sự lựa chọn thật tỉnh táo, tìm ra được sự tương đồng giữa cái cũ và cái mới để thổi bùng lên. Và điều này, chắc chắn cần nhờ đến tài năng của nhạc sĩ phối khí…
Minh Anh