Bản Tân Ly, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) từ lâu được biết đến là một bản làng nghèo, cuộc sống của đồng bào Vân Kiều nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Trong 3 năm trở lại đây, diện mạo cuộc sống của người dân miền sơn cước này đã hoàn toàn thay da đổi thịt nhờ sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng 601 - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình.
Trước kia, con đường quanh co dẫn vào bản Tân Ly gập ghềnh dốc đá, ở đó người dân phải sống trong những ngôi nhà xiêu vẹo dột nát… Bây giờ là con đường bê tông trải dài chạy thẳng tít tắp từ nhánh Tây đường Hồ Chí Minh nối vào tận bản làng. Hai bên đường, những ngôi nhà Đại đoàn kết được xây dựng khang trang thay thế những ngôi nhà dột nát xiêu vẹo, nhiều công trình dân sinh đã mọc lên giữa đại ngàn, khung cảnh thêm ấm cúng.
Thượng tá Đặng Ngọc Tiến, Chính trị viên Đồn biên phòng 601 cho biết: Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ công tác biên phòng gắn với việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhất là tuyến biên giới kinh tế - xã hội còn chậm phát triển, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu, đời sống còn nhiều khó khăn. Năm 2009, được sự giúp đỡ của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng (Quảng Bình), Đồn 601 đã thực hiện Đề án “Quy hoạch, bố trí, sắp xếp khu dân cư, phát triển KT-XH bản Tân Ly”.
Để thực hiện đề án này, bản thân ông Tiến cùng với nhiều anh em trong đơn vị phải thường xuyên thay phiên nhau về tận thôn, bản cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với bà con. Qua đó hướng dẫn các hộ trong thôn, bản thay đổi nhận thức từ việc sinh hoạt trong gia đình, giữ vệ sinh cá nhân đến cách vận dụng cải tiến kỹ thuật áp dụng vào sản xuất.
Ban đầu đồng bào chưa quen lắm với cách làm ăn mới, nhưng nhờ sống gần gũi với dân sau quá trình cầm tay chỉ việc, “mưa dầm thấm lâu”, cuối cùng người dân cũng quen với cung cách làm ăn mới và đã cùng với bộ đội Đồn biên phòng 601 khai hoang phục hóa làm 3 ha lúa nước, năng suất bình quân đạt 4,1 tấn ha. Sau khi “lo” được cái ăn cho đồng bào, bước tiếp đến là làm sao giúp đồng bào định canh, định cư phát triển kinh tế ngay trên chính quê hương mình. Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị huy động mọi nguồn lực đóng góp, giúp đỡ nhân dân làm 35 nhà Đại đoàn kết với số tiền hơn 1 tỷ đồng, tham gia 2.250 ngày công giúp đồng bào xây dựng các công trình dân sinh… Nhờ vậy trong ba năm (2008-2011), thành công của Đề án đã góp phần giúp đồng bào Vân Kiều nơi đây xóa đói, giảm nghèo, ổn định nơi ăn, chốn ở, xóa dần các hủ tục lạc hậu.
Phan Đình Quân