Rối Tày Thẩm Rộc là một trong những loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của dân tộc Tày ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Có xuất xứ từ dòng họ Ma Quang ở thôn Thẩm Rộc, xã Bình Yên (Định Hóa, Thái Nguyên), rối Tày Thẩm Rộc được diễn xướng theo hình thức múa rối cạn và đã có truyền thống trên 200 năm.
Rối Thẩm Rộc thường được dòng họ Ma Quang biểu diễn vào dịp đầu năm, trong Tết Nguyên đán, hội làng hay hội Lồng Tồng (hội xuống đồng…) nhằm góp vui cho công chúng, cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Anh Ma Quang Chóng đang thử nghiệm những con rối mới hoàn thành. Ảnh: Hồng Tâm |
Anh Ma Quang Chóng, Trưởng phường rối Thẩm Rộc cho biết: Người xưa thường dựa vào muông thú, cỏ cây để dự đoán thời tiết, từ đó chủ động trong canh tác nông nghiệp.
Ví dụ, số lần con tắc kè kêu là chẵn thì trời sẽ nắng, là lẻ thì trời sẽ mưa, nên các nghệ nhân đã sáng tác ra trò múa rối “Con tắc kè leo cây chờ mưa” và “Người người trèo cây bắt tắc kè”.
Mỗi buổi biểu diễn múa rối thường kéo dài chừng hơn 1 tiếng đồng hồ theo trình tự nội dung là “tiền ối, hậu la”. Nghĩa là, mở đầu màn kịch là phần “ối” do 2 người mặc áo xiêm, quấn khăn biểu diễn nhằm giữ trật tự và thu hút đám đông, tiếp đó là nội dung biểu diễn có kết hợp với lời giáo huấn và các loại nhạc cụ, kết thúc là trò leo cây bắt tắc kè, bắt rắn...
Cùng với hình thức diễn xướng mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc, nét độc đáo của rối Tày Thẩm Rộc còn xuất phát từ cách thức làm ra con rối. Vật liệu làm rối thường bằng gỗ cây "Thừng Mực" - một loại cây thân gỗ phổ biến ở miền núi, vừa dễ chế tác lại không bị mối mọt.
Để tạo ra một con rối cỡ trung bình, các nghệ nhân phải mất vài ngày, trải qua các công đoạn như lựa chọn vật liệu, tạo hình bằng tay, phơi khô, sơn mầu và may quần áo cho nhân vật. Những khúc gỗ thô kệch, mộc mạc qua bàn tay đẽo gọt và điều khiển của những nghệ nhân trong phường rối Thẩm Rộc đã trở nên linh hoạt và sống động lạ thường.
Trong biểu diễn rối Thẩm Rộc, các con rối được điều khiển bằng que tre, kết hợp với tiếng đàn tính, sáo và hát then tạo nên một vở kịch độc đáo, hấp dẫn người xem. Hiện nay, một bộ rối để biểu diễn có 13 con, trong đó có 2 con đầu đàn (có kích thước lớn hơn cả và được làm bằng gỗ mít).
Các con rối di chuyển linh hoạt thông qua sự điều khiển bằng những thanh tre gắn vào thân, đầu, tay và chân của nhân vật, để tiện điều khiển và bảo quản. Gần đây, các nghệ nhân đã thay những thanh tre bằng sắt hoặc nhôm. Trước khi biểu diễn, trưởng phường rối phải làm lễ tạ ơn ông, bà rồi mới bắt đầu...
Sau nhiều năm vắng bóng, nghệ thuật rối Tày Thẩm Rộc mới được khôi phục và biểu diễn trở lại từ năm 2000. Hàng năm, phường rối Thẩm Rộc đều tổ chức luyện tập và biểu diễn, thậm chí đã tham dự Liên hoan nghệ thuật rối quốc tế tại Hà Nội vào năm 2000. Thế nhưng, hai năm trở lại đây, phường rối Tày Thẩm Rộc đã không tổ chức được buổi tập luyện và biểu diễn nào, các thành viên trong phường đi làm ăn mỗi người một nẻo.
Hiện phường Tày Thẩm Rộc rối có 3 thành viên ngoài dòng họ Ma Quang nhưng họ chỉ tham dự với vai trò là người hát then, biểu diễn đàn tính và thổi sáo. Anh Ma Quang Chóng cho biết: Một buổi biểu diễn trước kia phải bao gồm 8 trò, kéo dài cả buổi, nhưng do các trò có nội dung chồng chéo, phức tạp về lời dẫn cổ nên đến nay phường đã tinh giảm xuống còn một trò gồm nhiều mục nhỏ.
Ngay như trong Hội Lồng Tồng vừa qua, rối Tày Thẩm Rộc cũng chỉ diễn được 2 trò với vài con rối thô sơ, thời gian diễn cũng chỉ vẻn vẹn hơn chục phút trên sân khấu lễ hội chính. Đáng buồn hơn, 33 con rối cổ của dòng họ Ma Quang đã có nhiều con bị hư hỏng, không thể biểu diễn được...
Rối Tày Thẩm Rộc đang mai một dần đó là thực tế không thể phủ nhận, trong khi những nghệ nhân tâm huyết và giỏi nay đã có tuổi, lớp trẻ thì không có điều kiện hoặc không tâm huyết với nghệ thuật rối.
Việc tập hợp được tất cả mọi người trong phường rối để tập luyện và biểu diễn cũng khó khăn do thiếu nguồn kinh phí. Do vậy, bảo tồn và phát triển rối Tày Thẩm Rộc đang rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ cụ thể từ các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Hoàng Thảo Nguyên - Hồng Tâm