Là nơi điều trị chăm sóc miễn phí cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối, đội ngũ thầy thuốc ở Bệnh viện Nhân Ái (TP Hồ Chí Minh) luôn phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm cao, thậm chí còn bị dư luận kỳ thị. Thế nhưng, các y, bác sỹ ở đây vẫn luôn hết lòng chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân.
Cách trung tâm TP Hồ Chí Minh 200 km, Bệnh viện (BV) Nhân Ái (thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh) nằm trên một diện tích rộng 170 ha thuộc địa bàn xã Phú Văn, huyện biên giới Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Hầu hết bệnh nhân điều trị tại BV Nhân Ái đều là những người nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối, thường ở trong tình trạng thập tử nhất sinh vì còn mắc thêm bệnh nhiễm trùng nặng như: Bệnh lao, gan, suy hô hấp... Tuy nhiên, sau một thời gian điều trị tại BV Nhân Ái, nhiều bệnh nhân đã kéo dài thêm cuộc sống với tinh thần thoải mái, nhẹ nhàng hơn.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV tại BV Nhân Ái. |
BS Nguyễn Phi Khanh, Trưởng khoa Chăm sóc đặc biệt, BV Nhân Ái cho biết: “Khu B là khu chăm sóc đặc biệt dành cho gần 150 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS ở giai đoạn nặng; trong đó, nhiều bệnh nhân nặng tới không thể đi lại được, chỉ nằm một chỗ và cũng không ít người thuộc diện lang thang, cơ nhỡ. Bởi vậy, cán bộ, nhân viên y tế nơi đây luôn là người cận kề, chăm sóc từng miếng cơm và giấc ngủ cho bệnh nhân. Nhiều khi người bệnh trút hơi thở cuối cùng cũng chỉ có y bác sỹ là người ở bên cạnh và là người đứng ra lo hậu sự”.
Anh Nguyễn Hoàng P., một bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối đang nằm điều trị tại khoa Chăm sóc đặc biệt, chia sẻ: “Nhờ có sự chăm sóc nhiệt tình và tình yêu thương của cán bộ y bác sỹ ở đây mà sức khỏe tôi đã tốt hơn nhiều so với ngày mới vào điều trị. Khi được chứng kiến cảnh các BS tìm mọi cách để giành giật lại sự sống cho mình, tôi mới thấy quý trọng những ngày cuối cuộc đời mình hơn”.
Luôn phải gần cận, chăm sóc những bệnh nhân HIV nặng, mang trong mình nhiều bệnh truyền nhiễm khác nên các cán bộ, nhân viên BV Nhân Ái luôn phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm cao. Thực tế, một số những nhân viên y tế của bệnh viện đã từng bị phơi nhiễm trong lúc chăm sóc bệnh nhân như lúc tiêm chích cho bệnh nhân bất cẩn họ bị kim đâm vào người... Nhưng rồi, họ vẫn yên tâm công tác lạc quan tin tưởng và luôn hoàn thành trách nhiệm chăm sóc cho bệnh nhân.
“Trong quá trình điều trị, không ít lần chúng tôi bị bệnh nhân đuổi đánh, mắng nhiếc vì họ đang trong cơn nghiện hoặc tâm lý không ổn định. Trong xã hội, khi biết tôi công tác tại BV Nhân Ái, một số người còn kỳ thị, tránh nói chuyện với tôi. Tuy vậy, chưa khi nào tôi nghĩ rằng mình sẽ chuyển công tác”, BS Nguyễn Phi Khanh cho biết.
Theo ghi nhận của chúng tôi, những bác sĩ và nhân viên y tế tại BV Nhân Ái không chỉ làm tốt việc chăm sóc, điều trị bệnh mà còn rất chú trọng việc chăm lo tinh thần cho người bệnh. Từ lâu, đội ngũ nhân viên tư vấn của BV đã trở thành nơi để bệnh nhân trút bầu tâm sự, chia sẻ những khó khăn dù là nhỏ nhất trong cuộc sống. Chị Thư Tình, một chuyên viên tư vấn có thâm niên gần chục năm gắn bó với những bệnh nhân nhiễm HIV chia sẻ: “Chúng tôi luôn quan niệm chỉ khi nào cảm nhận đựợc tình thương và sự tôn trọng thì người bệnh nhiễm HIV mới mở lòng với những người xung quanh và trân trọng cuộc sống hơn. Do đó, chúng tôi luôn đến với người bệnh với tấm lòng chân thành, những mong giúp họ xoa dịu nỗi đau cả về thể xác và tinh thần”.
Theo BS Nguyễn Thành Long, Giám đốc BV Nhân Ái: “Thời gian qua, BV phải tự túc đào tạo và nâng cao tay nghề cho đội ngũ y, bác sỹ. Tuy nhiên, đối với những bác sỹ đã gắn bó với mảnh đất này rồi thì lại không muốn rời xa, dù công việc đầy khó khăn và nguy hiểm”.
Nguy cơ lây nhiễm cao, chịu áp lực công việc và ít nhiều cũng bị dư luận kỳ thị thế nhưng những cán bộ nhân viên y tế ở BV Nhân Ái vẫn luôn gắn bó với bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối. Động lực để họ trụ lại với những bệnh nhân nhiễm HIV chính là tình thương của người thầy thuốc và cũng là tình người ở mái nhà chung mang tên Nhân Ái.
Bài và ảnh: Đan Phương