Mạnh về biển, làm giàu từ biển - Bài 2: Mô hình thương hiệu biển Việt Nam

Để đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, việc nghiên cứu xây dựng thương hiệu biển Việt Nam là một cách tiếp cận mới, phù hợp với bối cảnh đổi mới tư duy phát triển và hội nhập quốc tế ngày nay.


Khái niệm “Thương hiệu” vốn rất quen thuộc trong kinh tế thị trường và đang ngày càng trở nên quen thuộc cùng với quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Do vậy, tuy vẫn còn cần nhiều thời gian để tìm hiểu về nhiều vấn đề liên quan đến thương hiệu, nhưng với Chương trình “Thương hiệu Quốc gia” được phát động từ năm 2003 (Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ) vấn đề “thương hiệu” đã bắt đầu nhận được sự quan tâm của cả các nhà quản lý, các doanh nghiệp cũng như công chúng.


Cá về bến tại phường Hải Cảng, TP Qui Nhơn, Bình Định.
Ảnh: Hồng Kỳ-TTXVN


Sự định hình cho giá trị thương hiệu thì không phải chỉ có ở cấp công ty (nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ). Đối với bất kỳ một tổ chức (hoặc thậm chí một cá nhân) nào, sự định hình cho giá trị trước cộng đồng luôn hiện hữu một cách khách quan, cho dù vô tình hay hữu ý. Nhiều địa phương, vùng đất, thành phố..., trên thế giới được mọi người lưu nhớ qua những biểu tượng thương hiệu đặc trưng mà con người tạo ra. Và điều đó góp phần định hình cho giá trị của họ.


Ở Việt Nam, vấn đề thương hiệu hiện mới chủ yếu được nhìn nhận ở góc độ công ty (kinh doanh). Và để hỗ trợ thêm cho những thương hiệu công ty kinh doanh này, thiết nghĩ đã đến lúc nên đồng thời xây dựng những thương hiệu mang chức năng chính là “định hình cho giá trị” chung, nhằm nâng đỡ, tôn lên những giá trị và lợi ích được mong đợi từ việc tiêu dùng sản phẩm của các công ty kinh doanh ở nơi chúng tạo ra sản phẩm. “Thương hiệu biển Việt Nam” là một khái niệm có nội hàm như vậy.

Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53 - 55% tổng GDP của cả nước; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển; phấn đấu thu nhập bình quân đầu người cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước.


Dưới “ánh sáng” của những quan điểm cơ bản về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, chúng tôi cho rằng, đây là thời điểm thích hợp và chín muồi cho những nỗ lực xây dựng một thương hiệu biển Việt Nam - một thương hiệu mang tầm vóc quốc gia, chứa đựng trong đó tầm vóc của quốc gia biển (tam sơn, tứ hải, nhất phần điền), phản ánh khát vọng vươn ra biển lớn, hướng đến một quốc gia “mạnh về biển, làm giàu từ biển”, hội nhập cùng thế giới trong “Thế kỷ của đại dương” - tức là góp phần quan trọng gánh vác một sứ mệnh to lớn trong thời điểm hiện nay.


Mô hình thương hiệu biển Việt Nam theo hình dung sơ bộ ban đầu sẽ được cấu thành bởi các yếu tố thương hiệu con người, thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu địa phương/vùng lãnh thổ và thương hiệu ngành nghề liên quan đến biển. Mặc dù có mối liên hệ mật thiết với thương hiệu công ty, thương hiệu địa phương và ngành, nhưng thương hiệu biển Việt Nam là một thực thể bao trùm những thành tố không chỉ vượt ra khỏi các hoạt động của doanh nghiệp, ngành nghề, địa phương, mà còn mang trong mình phần nhiều giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam.


Với cách đặt vấn đề như vậy, chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng, hậu thuẫn trực tiếp cho thương hiệu biển Việt Nam sẽ không chỉ là 28 tỉnh và thành phố có biển; là lực lượng đông đảo các tập đoàn, doanh nghiệp trong các lĩnh vực kinh tế đang gắn bó với biển, đảo như dầu khí, hàng hải, thủy sản, du lịch...; các lực lượng quân đội, công an đang làm nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo và các cộng đồng dân cư đang sinh sống và làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến biển; mà còn nhận được sự quan tâm của toàn thể các cấp, các ngành và mọi người dân Việt Nam.


Cần xem việc xây dựng thương hiệu biển Việt Nam có ý nghĩa quan trọng mang tầm vóc quốc gia, đáng để các cơ quan quản lý quan tâm thỏa đáng và cuối cùng ra được kết quả như mong đợi. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biển đảo, trước hết là đảm bảo “Ý thức về biển phải được thể hiện đầy đủ trong chính sách phát triển của những ngành có liên quan và các địa phương có biển” theo yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) của Đảng.


PGS. TS Bùi Tất Thắng -Viện Chiến lược Phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư


Bài cuối: Thương hiệu biển phải gắn liền với thương hiệu quốc gia

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN