Mát lành những “hồ treo” trên cao nguyên đá

Được sự đầu tư của Chính phủ, đến nay, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã xây dựng được gần 20 hồ chứa nước (còn gọi là hồ treo) tại 13 xã, thị trấn, bước đầu đáp ứng một phần nhu cầu về nước sinh hoạt cho nhân dân, đặc biệt là trong mùa khô thường kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau.


Giải “khát” cho đồng bào


Theo đánh giá, việc đầu tư, xây dựng hồ treo trên vùng đất cao nguyên đá huyện Mèo Vạc đã giải quyết được phần nào tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho đồng bào nơi đây, tác động tích cực đến công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh trên địa bàn huyện.

 

Người dân xã Lũng Pù rất vui vì không phải đi xa địu nước như trước kia.

Trước đây, đồng bào huyện Mèo Vạc thường mất 2 - 3 tiếng đồng hồ và phải đi hàng chục cây số mới lấy được một can nước để phục vụ sinh hoạt cho cả gia đình; nhiều gia đình phải thức khuya, dậy sớm để hứng những giọt nước từ khe đá… Khi các hồ treo được xây dựng thì việc lấy nước sinh hoạt của nhân dân đã dễ dàng hơn, nguồn nước sử dụng cũng đảm bảo vệ sinh hơn. Hiện nay, gần 20 hồ chứa nước của huyện Mèo Vạc với tổng dung tích thiết kế 111.018 m3 đã đảm bảo phục vụ cho hơn 21.750 người dân.


Bà con ở thôn Sảng Chải A, xã Lũng Pù, đều phấn khởi cho biết: “Năm 2011, thôn Sảng Chải A được Nhà nước quan tâm xây dựng cho 1 hồ treo chứa nước sinh hoạt dung tích 9.425 m3, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho cả thôn trong suốt mùa khô nên bà con không phải vất vả địu từng can nước từ các hố nước trên vách núi về như trước kia”.


Anh Giàng Mí Và, thôn Sảng Chải A, xã Lũng Pù cũng chia sẻ: “Cùng với chương trình xóa nhà tạm, chủ trương hỗ trợ xây dựng hồ treo của Chính phủ đã góp phần đem lại niềm vui lớn cho người dân vùng cao. Những năm trước, dù giá rét, gia đình mình vẫn phải vất vả địu từng can nước về từ các hố nước trên núi. Giờ đây, muốn lấy nước chỉ cần đi hơn 300 m là tới hồ treo nên đã tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức”.


Không chỉ riêng gia đình anh Và có cảm xúc vậy, trên đường vào thôn Sảng Chải A, tôi còn bắt gặp những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của nhiều người dân vùng cao nguyên đá, gia đình anh Giàng Mí Pó, anh Lầu Mí Lầu… đều cho biết họ rất phấn khởi vì vừa được sống trong ngôi nhà mới từ Chương trình xóa nhà tạm của Chính phủ vừa được hưởng niềm hạnh phúc từ lợi ích của hồ treo đem lại.


Cần thêm nhiều “hồ treo”


Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức, trên thực tế huyện Mèo Vạc chưa hẳn đã hết “khát”. Bởi lẽ, do đặc thù địa hình chiếm 3/4 diện tích là núi đá, dân cư sống phân bố rải rác tại các thôn, bản nằm chênh vênh trên các sườn núi xa trung tâm xã nên việc đi lấy nước tại các hồ treo trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, số lượng hồ treo được đầu tư xây dựng vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu của nhân dân. Vậy nên, nhân dân tại các thôn Sèo Lùng Sán (xã Lũng Chinh); thôn Tả Lủng B (xã Tả Lủng)… đều mong muốn được Nhà nước đầu tư xây dựng thêm hồ treo chứa nước sinh hoạt.

 

Có hồ treo, người dân yên tâm dành nhiều thời gian cho sản xuất nông nghiệp.


Ông Vũ Đình Trọng, Chủ tịch UBND xã Lũng Chinh cho biết: “Gần hai tháng nay, cán bộ và nhân dân trong xã thiếu nước sinh hoạt. Xã và các đơn vị trường học phải thuê ô tô chở nước từ thị trấn Mèo Vạc vào xã với giá 300.000 đồng/khối nước. Một số hộ dân phải địu từng can nước từ hồ treo hoặc trong các hố đá trên núi. Một số xã núi đá khác như Cán Chu Phìn, Sủng Máng, Sủng Trà cũng phải mua nước. Mặc dù mỗi gia đình đều có bể nước khoảng 10 m3 được xây dựng từ những năm 2002 theo chương trình “Mái nhà, bể nước, con bò” của tỉnh Hà Giang, nhưng cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu đến tháng 11 hàng năm là hết nước”.


Đồng bào Hà Giang hy vọng có thêm nhiều hồ chứa nước sinh hoạt trong thời gian tới, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, từng bước xóa đói giảm nghèo trên vùng cao nguyên đá…


Bài và ảnh: Quỳnh Lưu

Công nghệ hồ treo - Giải pháp tối ưu cho vùng cao khan hiếm nước
Công nghệ hồ treo - Giải pháp tối ưu cho vùng cao khan hiếm nước

Sau một thời gian dài khảo sát, nghiên cứu và ứng dụng thử nghiệm, giải pháp công nghệ hồ treo, các nhà khoa học Viện Địa chất - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã khẳng định tính ưu việt của công nghệ này trong việc tháo gỡ những khó khăn về nguồn nước cho một số tỉnh miền núi phía Bắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN