Ngày 23/6, tại thành phố Đà Nẵng diễn ra lễ ký kết hợp đồng tín dụng tài trợ dự án công trình “Đường dây 220KV Thượng Kon Tum - Quảng Ngãi” giữa Ngân hàng MHB và Ban Quản lý các công trình điện miền Trung, thuộc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia.
Lễ ký kết hợp đồng tín dụng tài trợ dự án công trình “Đường dây 220KV Thượng Kon Tum - Quảng Ngãi” |
Đây là dự án tài trợ công trình năng lượng quan trọng được sự quan tâm người dân và chính quyền sở tại tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi nói riêng cũng như khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung. Đến tham dự lễ ký kết có ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng và ông Nguyễn Ngọc Tâm, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng MHB.
Dự án “Đường dây 220 KV Thượng Kon Tum - Quảng Ngãi” là một trong những dự án nằm trong chiến lược phát triển ngành điện lực đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Công trình được xây dựng với tổng đầu tư 471 tỷ đồng, Ngân hàng MHB tài trợ 376 tỷ đồng và có chiều dài 76,5 km từ Thượng Kon Tum đến Quảng Ngãi với nhiệm vụ chính là chuyển tải công suất của Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum vào hệ thống điện quốc gia, cung cấp điện năng tin cậy cho phụ tải tỉnh Quảng Ngãi và Bắc Bình Định.
Ngoài ra, công trình này còn góp phần nâng cao chất lượng điện năng, tạo mối liên kết giữa các vùng trong hệ thống điện khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng như hệ thống lưới điện quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng, là cơ sở quan trọng để vận hành ổn định và tối ưu cho hệ thống điện khu vực, đáp ứng nhu cầu phụ tải điện phục vụ đời sống dân sinh và phát triển kinh tế xã hội cho tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi.
Trong những năm qua, Ngân hàng MHB đã đầu tư gần 6.000 tỷ đồng vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, những dự án cho vay đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học, chợ, khu thương mại... nhằm mang lại diện mạo mới cho các tỉnh thành, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó có một số dự án lớn nổi bật như Bệnh viện Thái Hòa ở Đồng Tháp (khoảng 250 tỷ); dự án nhà ở cho người thu nhập thấp ở Vĩnh Long và Đồng Nai (160 tỷ); dự án cáp treo núi Cấm ở An Giang (200 tỷ).
Ngoài việc sử dụng các nguồn vốn thương mại cho vay, MHB còn là đơn vị duy nhất được giao thực hiện “Chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở cụm tuyến dân cư vùng lũ lụt ĐBSCL” với việc tài trợ hơn 9.000 căn nhà cho các mục đích mua, xây mới, sửa chữa và nâng cấp. Trong quá trình triển khai hoạt động, MHB luôn bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Đến thời điểm hiện tại, dư nợ về cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm % tổng dư nợ.
Với mạng lưới chi nhánh phủ khắp toàn quốc với hơn 230 điểm giao dịch, trong thời gian tới, MHB tiếp tục thực hiện tái cơ cấu lại hoạt động theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước để đáp ứng nhiệm vụ chính trị, trở thành một ngân hàng hoạt động theo hướng hiện đại và theo thông lệ quốc tế, có chất lượng và hiệu quả, có khả năng cạnh tranh và hội nhập sâu rộng vào thị trường tài chính tiền tệ trong và trên thị trường quốc tế.
Ngân hàng MHB đã và đang tiếp tục bám sát nhiệm vụ chính trị của Nhà nước, Chính phủ giao và mục tiêu định hướng chiến lược của ngành ngân hàng gắn với chiến lược định hướng phát triển kinh tế của vùng, địa phương để từ đó có những định hướng, bước đi phù hợp để phát triển Ngân hàng MHB trong thời gian tới và trong dài hạn.
Minh Phương