Mía bầu cây đặc sản ở Bắc Kạn

Mía bầu là giống mía đặc sản của đồng bào Tày, Nùng, Dao... ở Cao Kỳ, Nông Hạ, Hòa Mục, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn)... Ai đã ăn mía bầu, dù chỉ một lần chắc không bao giờ quên được hương vị của loại mía này. Cây mía bầu trông giống những cây mía trắng ở các tỉnh miền xuôi, nhưng thơm, vị ngọt dịu và đặc biệt là mềm, giòn và nhiều nước. Tháng 10 Âm lịch hàng năm là thời điểm thu hoạch mía bầu.

Tận dụng ruộng khô trồng mía

Ở xã Hòa Mục, xã Nông Hạ những năm trước đây có một số chân ruộng khô, rất khó lấy nước, nên dân thường để hoang hoặc có làm lúa cũng chỉ được một vụ, rất lãng phí. Vào năm 2004, 2005, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Bắc Kạn cho thực hành mô hình trồng mía và áp dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Chương trình 135 của Chính phủ, hỗ trợ phân và tiền mua giống cho đồng bào trồng mía bầu trên những chân ruộng này.


Kết quả, mía phát triển tốt, ngọt, nhiều nước và mềm, giòn... được người tiêu dùng không chỉ ở Bắc Kạn mà nhiều tỉnh ưa thích. Đặc biệt, mía bầu thường được người dân bày bán cho khách qua đường dọc theo quốc lộ 3 và coi đây là một mặt hàng đặc sản. Khi dự án kết thúc, người dân đã hiểu được giá trị đích thực của cây mía bầu, là cây trồng giúp cho họ thoát nghèo và nhiều gia đình đã giàu lên nhờ cây mía bầu này.

Thu hoạch mía bầu ở Cao Kỳ.

Bà Hà Thị Dung, một người dân Bản Đồn, xã Hòa Mục, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) cho biết: Trước đây nhà tôi nghèo lắm, ruộng không có nhiều, lại không có nước nên chỉ cấy được một vụ lúa, từ khi Nhà nước hỗ trợ trồng mía, cả cánh đồng khô cạn trước đây đều được trồng mía và trồng xen canh lạc, đậu tương (khi mía còn thấp).

Nhà bà Dung hiện có gần 5 sào mía, mỗi năm cũng thu nhập gần 40 triệu đồng. Cây mía giúp gia đình bà làm được nhà mới, mua được xe máy, vô tuyến. Chị Ma Thị Làm cũng là người dân Bản Đồn (Hòa Mục) bày tỏ, nhà chị có 1.000 m2 trồng mía, do diện tích không nhiều nên gia đình tự mang mía đi bán, tính ra cũng được gần 20 triệu đồng/vụ.

Vẫn hẹp đầu ra

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Đức Hoan, Chủ tịch UBND xã Cao Kỳ cho biết: Trong các xã trồng mía bầu của huyện Chợ Mới, thì xã Cao Kỳ có diện tích nhiều nhất (gần 30 ha). Ông Hoan khẳng định, cây mía bầu là cây mang lại lợi ích kinh tế cao, giúp nhiều người dân thoát nghèo và giàu lên. Nhiều nhà đã xây được nhà cao tầng, mua xe máy, tivi.


Do diện tích trồng mía rộng nên người trồng mía Cao Kỳ thường không bán lẻ, mà bán cả thửa luôn cho các thương lái đến từ Thái Nguyên, Hải Phòng, Bắc Giang... Giá mỗi cây mía bán tại thửa trung bình là 3.000 đồng/cây, mỗi ha trồng khoảng 60.000 cây, cho thu nhập 180 triệu đồng. Đây là mức thu lý tưởng cho một ha trên đồng đất Bắc Kạn. Tuy nhiên, cây mía bầu cũng kén đất, không phải trồng nơi nào cũng được, nhất là những chân ruộng thấp, độ ẩm cao, mía sẽ không ngọt.

Cũng còn một thực tế nữa, vì mía bầu ở vùng này trồng chỉ để phục vụ người tiêu dùng ở một số địa phương và khách qua đường, chưa có nhà máy chế biến nên chưa thể mở rộng thêm diện tích.

Theo ông Lèng Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, với một giống mía quý như vậy, ngoài kinh nghiệm lâu đời của người dân, huyện cũng đã đầu tư khoa học kỹ thuật vào trồng để duy trì và phát triển loại cây này.


Mía bầu chịu nắng hạn tốt, chính những chân ruộng thiếu nước là nơi thích hợp cho cây mía bầu phát triển, tuy cây không to, nhưng ngọt và thơm hơn những chân ruộng thấp, nhiều nước. Ngoài ra, do đặc tính mía bầu chỉ cho năng suất cao, chất lượng tốt nếu canh tác khoảng 2 năm rồi lại phải chuyển sang thửa đất khác, nên tạo điều kiện tốt cho việc cải tạo đất.

Hiện nay huyện Chợ Mới cũng như tỉnh Bắc Kạn đã có chính sách để phát triển cây mía bầu đặc sản. Trước mắt sẽ duy trì và mở rộng dần diện tích trồng mía, không để tình trạng người dân tự phát, mở rộng diện tích trồng mía quá nhanh, dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa, đánh mất giá trị cây mía, lãng phí đất và công sức của người dân.

Nguyễn Trình
 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN