2 - Bổ sung, phát triển một số đặc trưng cho chính xác khi đã xây dựng xong chủ nghĩa xã hội.
- Xác định xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là “do nhân dân làm chủ” chứ không chỉ là “do nhân dân lao động làm chủ”. Việc xác định như thế là chính xác bởi các lý do: Một là, đặc trưng này thể hiện bản chất nhân văn của chủ nghĩa xã hội, tất cả vì con người, do con người. Hai là, phù hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta từ trước tới nay. Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định: Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, dân làm chủ, dân là chủ. Các văn kiện của Đảng đã nhiều lần nhấn mạnh đến dân chủ và trở thành một trong năm bài học kinh nghiệm lớn trong hơn 80 năm qua. Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Ba là, để thực hiện tư tưởng đoàn kết toàn dân tộc của Đảng ta. Bốn là, khi đã xây dựng chủ nghĩa xã hội, như một lẽ đương nhiên tất cả nhân dân đều là người lao động.
- Xác định rõ hơn đặc trưng về con người. Cương lĩnh năm 1991 xác định: “Con người được giải phóng khỏi sự áp bức, bóc lột, bất công, làm theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân”. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”, bởi các lý do sau: Một là, không phải đến khi xây dựng xong chủ nghĩa xã hội, con người mới được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, mà đã được giải phóng trước đó. Hai là, đặc trưng này nói về đặc trưng con người nên không cần đề cập đến “làm theo lao động”. Ba là, xã hội xã hội chủ nghĩa không tạo điều kiện phát triển toàn diện “cái cá nhân” mà chỉ tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện.
- Xác định rõ hơn đặc trưng về dân tộc. Cương lĩnh năm 1991 xác định: “Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”. Khẳng định “các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam” thể hiện thực trạng các dân tộc trên đất nước ta. Từ xưa đến nay và mãi về sau các dân tộc Việt Nam dù đông người hay ít người, dù phát triển hơn hay kém phát triển hơn đều gắn bó keo sơn trong một cộng đồng dân tộc. Điều này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi. Xác định: “Các dân tộc tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển” là chính xác: Các dân tộc phải tôn trọng nhau. Đây là bản chất nhân văn của các dân tộc Việt Nam và khi xã hội càng phát triển càng đòi hỏi “tôn trọng” nhau.
- Xác định rõ hơn đặc trưng về hợp tác quốc tế. Cương lĩnh năm 1991 xác định: “Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới”. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”, bởi các lý do sau: Một là, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã khẳng định rõ vấn đề này. Hai là, hiện nay nước ta có ba chủ thể tham gia hoạt động đối ngoại: Đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Ba là, khi xây dựng xong chủ nghĩa xã hội nước ta có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới chứ không chỉ giới hạn “với nhân dân” các nước trên thế giới.
3 - Về đặc trưng kinh tế: Cương lĩnh năm 1991 xác định: “Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu”. Trên cơ sở tổng kết lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới đất nước, Đại hội X xác định: “Có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”.
Thể hiện như Cương lĩnh năm 1991 nhấn mạnh được “chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu” và thể hiện được đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội, nhưng chưa hoàn toàn tương đồng, đồng đẳng. Chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chỉ là một bộ phận của quan hệ sản xuất. Khi đề cập đến lực lượng sản xuất thì phải đề cập đến quan hệ sản xuất mới là mối quan hệ tương đồng, đồng đẳng.
Thể hiện như Đại hội X là phù hợp với chính sách phát triển kinh tế của Đảng trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tránh được cách hiểu coi nhẹ đối với khu vực kinh tế dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân và thể hiện được sự tương đồng, đồng đẳng, khi đề cập lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.
Kế thừa cách diễn đạt của Đại hội X, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”. Xác định như Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) hợp lý hơn bởi lẽ đặc trưng này nói đến lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất và mềm dẻo hơn. Mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định gồm 8 đặc trưng, chúng có quan hệ biện chứng với nhau. Đặc trưng “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, “nhân dân làm chủ”... sẽ tác động, chi phối đặc trưng kinh tế và ngược lại.
Khái quát lại, có thể khẳng định rằng, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) là một bước tiến quan trọng về mặt lý luận, đã xác định rõ hơn mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng.
PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương