Mơ hồ giải pháp cho khủng hoảng Xyri

Hôm nay (6/7), hội nghị “Những người bạn của Xyri” - hội nghị lần thứ ba trong năm nay - dự kiến khai mạc tại thủ đô Pari bàn về tương lai của Xyri.


 

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố với báo giới về khả năng áp dụng "biện pháp cứng rắn" với Xyri ở Pari ngày 5/7. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Trung Quốc ngày 5/7 cho biết đã nhận được lời mời của nước chủ nhà Pháp nhưng Bắc Kinh không có kế hoạch tham dự hội nghị này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân khẳng định, Bắc Kinh tin rằng “đây là giai đoạn then chốt để giải quyết vấn đề Xyri về mặt chính trị”; đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tập trung vào việc thực thi những thỏa thuận đã đạt được tại hội nghị của Nhóm Hành động về Xyri hôm 30/6 tại Geneva (Thụy Sĩ).


Trung Quốc trước đó cũng đã không tham dự hai hội nghị “Những người bạn của Xyri” tổ chức tại Tuynidi hồi tháng 2 và tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 4/2012.


Tuyên bố cuối cùng của hội nghị Geneva nhất trí rằng cần thành lập chính phủ chuyển tiếp tại Xyri để chấm dứt khủng hoảng, song không yêu cầu phế truất Tổng thống Bashar al-Assad. Chính phủ mới sẽ bao gồm các thành viên của cả chính phủ hiện thời và phe đối lập, có nhiệm vụ chỉ đạo việc soạn thảo một hiến pháp mới cho đất nước và tổ chức các cuộc bầu cử.


Chính phủ Xyri đã hoan nghênh tuyên bố trên, đồng thời cho rằng văn bản này đã mở đường cho một tiến trình chính trị tại Xyri. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Xyri cũng cho biết có một vài điểm mơ hồ trong tuyên bố cần được làm rõ, dù không nêu cụ thể đó là những điểm gì.


Trước thềm hội nghị ở Pari, Anh và Pháp ngày 5/7 tuyên bố sẽ thúc đẩy các biện pháp cứng rắn đối với Xyri nếu kế hoạch chuyển giao không nhanh chóng chấm dứt được tình trạng bạo lực. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói rằng, nếu lộ trình chuyển giao không được triển khai nhanh thì “chúng tôi sẽ nhờ cậy đến LHQ” để có các biện pháp cứng rắn hơn, trong đó có khả năng can thiệp bằng quân sự. Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết, hai nước Anh và Pháp sẽ tìm kiếm tại HĐBA LHQ các biện pháp bổ sung nếu kế hoạch trên không nhanh chóng mang lại kết quả.


Trong khi đó, giới phân tích nhận định rằng, sự chia rẽ trong các lực lượng đang cố lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad là lý do khiến các cường quốc phương Tây chưa can thiệp vào Xyri.


Nhà phân tích Nadim Shehadi thuộc Viện Chatham House tại Luân Đôn nhận định: “Chia rẽ trong phe đối lập càng củng cố thêm quan điểm cho rằng... không ai có thể thay thế được ông Assad”. Ngoài ra, ông Shehadi cho rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama sau khi rút quân khỏi Irắc, cũng muốn tránh bị sa lầy vào một cuộc xung đột mới.


Hồng Hạnh

Xyri chờ nỗ lực ngoại giao tháo gỡ khủng hoảng

Ngày 29/6, xe tăng, pháo cao xạ và các dàn phóng tên lửa di động của Thổ Nhĩ Kỳ đã áp sát biên giới Xyri trong khi Ixraen xác nhận quân đội nước này đã tăng cường hệ thống phòng thủ đề phòng nguy cơ bị tấn công từ cao nguyên Golan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN