Ngày thứ tư, các phương tiện tìm kiếm đã được tăng cường tối đa, diện tích tìm kiếm cũng đã được mở rộng, tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu gì của chiếc máy bay mất tích.
Máy bay tuần thám Casa vào cuộc
Bên cạnh hàng loạt các phương tiện, cả trên không và dưới biển được huy động, sáng 11/3, hai chiếc máy bay tuần thám Casa đã chính thức vào cuộc. Casa là loại máy bay được trang bị hệ thống tuần thám biển, chuyên tuần tra biên giới, quan sát, phát hiện dầu loang, dầu tràn trên biển, phòng cháy rừng... Máy bay tuần thám này có thể hạ độ cao xuống 100 m so với mặt biển và được trang bị camera “mắt thần” quan sát ở cự ly 3.000 m.
Chiếc đầu tiên cất cánh lúc 9 giờ 22 phút, tìm kiếm ở phía đông đảo Thổ Chu. Chiếc tiếp theo cất cánh sau 15 phút, tìm bên phải đường bay của máy bay bị mất tín hiệu. Sau nhiều giờ bay tìm kiếm ở khu vực nghi vấn, trưa ngày 11/3, Casa đã phát hiện đốm trắng trên biển, nghi là dấu hiệu của máy bay bị mất tích và đã gửi hình ảnh về Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, đến cuối ngày, đốm trắng này vẫn chưa được xác định là vật thể gì.
Về phía các phương tiện tìm kiếm khác, trong ngày 11/3, dù tiên liệu còn rất ít hy vọng, song tất cả các lực lượng không quân, hải quân, hàng hải, cảnh sát biển, lực lượng biên phòng của tiểu khu 55 Phú Quốc đều đã được huy động vào cuộc. Bên cạnh đó, việc rà soát thông tin từ các ngư dân trên biển cũng được triển khai rộng khắp. "Dù hy vọng không nhiều, nhưng chúng tôi quyết tâm càng nhanh càng tốt để giải đáp câu hỏi máy bay có rơi trong vùng thông báo bay của Việt Nam hay không? Chúng tôi cũng đã chuẩn bị các phương án trục vớt, y tế, bảo vệ hiện trường nếu tìm thấy máy bay", Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho biết.
Ngày 11/3, cảnh sát Malaysia cho biết đã xác định được một trong hai hành khách sử dụng hộ chiếu giả danh đi trên chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích. Đó là một người Iran 19 tuổi và không liên quan đến khủng bố. |
Theo Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, sáng 11/3, đã có 10 máy bay tìm kiếm, trong đó máy bay AN26 bay ở tầm từ 3.000 - 5.000 m, Casa 272 tìm kiếm ở tầm thấp hơn, còn máy bay MI 171 tìm kiếm ở tầm khoảng 150 m. Bên cạnh đó, các máy bay của cảnh sát biển rà soát ở tầm bay 300 m.
Đội tìm kiếm bằng tàu biển được chia làm 2 khu vực tìm kiếm. Tàu HQ888 sau khi đã kiểm tra ở đông nam mũi Ô Cấp 32 hải lý không phát hiện được những điểm khả nghi như hàng không Hong Kong (Trung Quốc) cung cấp ngày 10/3, ngày 11/3 đã nhận lệnh cơ động rà soát về phía đông nam Cà Mau. Trên hành trình, tàu đã sử dụng máy quét đa tia và các thiết bị để quét tìm kiếm dưới đáy biển.
Chưa dừng tìm kiếm
Dù đã ngày thứ tư và kết quả vẫn chưa khả quan, nhưng theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, hiện Việt Nam chưa có thời điểm dừng tìm kiếm, những máy bay nước ngoài được Việt Nam cấp phép vào khu vực tìm kiếm cũng chưa có thời hạn kết thúc. Còn trong trường hợp không tìm thấy máy bay, phía Malaysia sẽ ra thông báo cuối cùng.
Về khả năng nổ của máy bay, theo đại diện này, đó chỉ là giả thiết mà phía Malaysia đưa ra, không phải là giả thiết của Việt Nam.
Cũng trong ngày 11/3, việc tìm kiếm đã được mở rộng trên cả đất liền, tại những khu vực thưa dân cư, vùng rừng núi. Theo đại diện Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn quốc gia, Sở đã điện chỉ đạo các đơn vị giáp ranh đường biên giới tăng cường phối hợp phía Lào, Campuchia để tham gia tìm kiếm ở phía lãnh thổ các nước này. Các quân khu 5, 7 và 9 tổ chức tìm kiếm trên đất liền dọc hai bên đường bay từ Hòn Khoai (Cà Mau) đến TP Hồ Chí Minh. Lực lượng tìm kiếm trên bộ cũng mở rộng tìm kiếm theo hai bên đường bay trên khu vực đất liền Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ.
Ngày 11/3, cảnh sát Malaysia cho biết đã xác định được một trong hai hành khách sử dụng hộ chiếu giả danh đi trên chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích. Đó là một người Iran 19 tuổi và không liên quan đến khủng bố.
P.V