Một sáng kiến hợp lý cho cuộc khủng hoảng Syria

Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Syria tại Mátxcơva ngày 9/9, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã kêu gọi Syria đặt kho vũ khí hóa học của nước này dưới sự kiểm soát của quốc tế và sau đó tiêu hủy, đồng thời tham gia vào Công ước quốc tế về thủ tiêu vũ khí hóa học.


Sáng kiến này của Nga đã nhận được phản ứng thuận chiều từ Tổng thư ký Liên hiệp quốc và rất nhiều nước trên thế giới.


Ngay Mỹ, nước đang dày công chuẩn bị cho cuộc tấn công quân sự chống Syria, cũng đã có phản ứng tích cực trước đề xuất của Nga.


Đài BBC cho biết Quốc hội Mỹ, mặc dù vẫn tỏ ý nghi ngờ, nhưng nói sẽ xem xét kế hoạch do Nga gợi ý tới chính phủ Syria về việc giao nộp toàn bộ số vũ khí hóa học.


Còn Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng ngày 9/9 đã khẳng định rằng Mỹ sẽ không tấn công Syria nếu nước này bàn giao toàn bộ vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế ngay lập tức, trong tuần tới.


Như vậy, sáng kiến của Nga, nếu được thực hiện, sẽ giúp Syria tránh được nguy cơ bị Mỹ và đồng minh tấn công quân sự mà hậu quả chưa thể lường hết được, trước hết là gây thêm thương vong và đổ nát cho đất nước Syria vốn đã bị tàn phá trong cuộc nội chiến suốt hơn hai năm qua.


Kể từ khi chính phủ Syria bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học ở ngoại ô Damascus hôm 21/8/2013 và, vì lý do này, Mỹ và đồng minh tuyên bố sẽ tấn công quân sự để “trừng phạt” Syria, cộng đồng quốc tế đã bị chia rẽ, thậm chí trong nhiều trường hợp là đối đầu, trong nỗ lực tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria.


Trong bối cảnh đó, sáng kiến của Nga rõ ràng là có giá trị với tính khả thi cao khi nó được các bên không cùng quan điểm có thể chấp nhận. Đó là cơ sở quan trọng để giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng Syria, đáp ứng được nguyện vọng không chỉ của nhân dân Syria mà của cả nhân loại nói chung, trong đó có nhân dân Mỹ.


Sáng kiến này cho thấy Nga là một cường quốc hết sức có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế mà trách nhiệm cao nhất là đứng về phía hòa bình.
Đề xuất của Nga không chỉ giúp Syria tránh được cuộc đối đầu quân sự với Mỹ và đồng minh, giúp cộng đồng quốc tế tìm được một giải pháp chấp nhận được đối với tất cả các bên trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, mà còn có tác dụng gỡ khó cho chính Tổng thống Mỹ Barrack Obama.
Ông Obama đã tuyên bố sẽ phát động một cuộc tấn công quân sự chống lại Syria để “trừng phạt” chính phủ nước này bị cáo cuộc sử dụng vũ khí hóa học. Tuy nhiên ông đã gặp khó khi chính phủ Anh, đồng minh hăng hái nhất trong kế hoạch tấn công Syria, không thể tham chiến do không được Quốc hội Anh đồng ý.


Trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, Tổng thống Barrack Obama đã “đá quả bóng” sang Quốc hội Mỹ.


Có người cho rằng Tổng thống Barack Obama đã “đặt cược” uy tín chính trị của mình khi đề nghị Quốc hội Mỹ phê chuẩn kế hoạch tấn công quân sự chống Syria. Nếu Quốc hội Mỹ phủ quyết đề xuất của chính quyền, rõ ràng ông Obama mất điểm. Nhưng một khi đa số các nhà lập pháp Mỹ “gật đầu” tán thành, ông Obama buộc phải ra lệnh tấn công Syria mà kịch bản này, nếu xảy ra, cũng không hay gì, nếu không nói là làm ô danh, cho một người từng được giải hòa bình Nobel như Barrack Obama.


Như vậy, một khi sáng kiến của Matsxcơva được thực hiện, Tổng thống Barrack Obama cũng có thể dễ dàng thoát khỏi “thế khó” trong vấn đề Syria mà vẫn bảo toàn được vị thế và uy tín của ông.


Đối với Syria, mặc dù họ có đủ khả năng chống lại cuộc tấn công quân sự của Mỹ và đồng minh như Tổng thống Bashar al-Assad đã nhiều lần tuyên bố, nhưng đối đầu quân sự rõ ràng là lựa chọn mà nhân dân Syria không mong đợi. Với sáng kiến của Nga, Syria đang có cơ hội thoát khỏi hiểm họa bị chiến tranh từ bên ngoài tàn phá. Thật dễ hiểu là Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem, ngay trong cuộc hội đàm với ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, đã ngay lập tức hoan nghênh đề xuất của Nga.


Tuy nhiên, người quyết định cuối cùng vẫn là Tổng thống Syria Bashar al-Assad.


Dư luận vẫn tin rằng đề xuất của Nga là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề Syria bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học từng gây căng thẳng cho cộng đồng quốc tế suốt mấy tuần qua.


Nguyễn Quốc Uy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN