Miệt mài trên những nẻo đường mưu sinh, để rồi lại trở về mái nhà thân yêu tìm nơi trú ngụ cho lòng lúc mùa mưa bão đang về với dải đất miền Trung. Đêm, nằm nghe từng đợt gió rít qua khe cửa và những trận mưa tạt liêu xiêu vào hiên mà lòng thấy nao nao. Biết bao mùa mưa bão đã đi qua...Và, lòng lại thấy tĩnh tại hơn khi bưng trên tay bát canh măng mẹ vừa nấu, trong một bữa cơm trưa muộn, lúc trận bão vừa qua.
Bát canh măng của mẹ là sự kết tinh những gì thân thương nhất của vườn nhà, ruộng quê và những "sản vật" khác mà từ thời ấu thơ tôi đã được ăn. Những trưa rỗi rãi hay những tối đi làm đồng về, mẹ lại lọ mọ ra bụi tre, tìm những cây măng vừa gãy hoặc có nguy cơ bị giật gãy đem vào nhà. Rồi bỏ cả những giấc ngủ hiếm hoi của mình, mẹ lột vỏ ngọn măng, cắt phần non có thể ăn được thành những lát nhỏ, rồi rửa sạch, cho vào hũ sành để muối. Món quà quê chua chua đắng đắng của mẹ đã bắt đầu được cả nhà tôi chú ý. Bởi măng mẹ muối, khi đem nấu canh chua thì thường có dư vị rất riêng so với các bà các cô hàng xóm làm hay là măng mua ở chợ...
Rồi chờ vài ngày sau, thêm một phần không thể thiếu được là những loại cá ba tôi bắt về, làm hoàn chỉnh nồi canh măng mẹ nấu. Giữa mùa bão lụt, cánh đồng quê tôi sẵn sàng hào hiệp cho người nông dân những con trê, con tràu, con rô mập căng đầy trứng. Mới mưa, nước chảy le le thì chỉ một vài cái lờ, đặt ở những mương nước nhỏ chảy vào ruộng, vài tiếng là đã có vài chú cá hăng nước mà chui vào. Còn qua giữa mùa, thường thì ba mua về vài bộ lưới đánh cá. Mưa như trút nước, việc nhà nông đâu thể làm gì được. Vậy là những buổi tôi nghỉ học hay ban đêm, hai cha con rủ nhau thả lưới trên cánh đồng trũng phía trước nhà không xa, lúc bấy giờ nước đã ngập đến trên đầu gối. Chưa kể đến những ao, hồ xung quanh xóm. Mùa nắng, nó là chỗ để lấy nước tưới rau. Mùa mưa, lại là nơi cá sông lên trú ngụ theo những trận lụt.
Cá bắt về, tất nhiên sẽ được làm nhiều món cho một bữa ăn đạm bạc mà thân thương. Nào chiên, nào nướng, nào nấu cháo, tùy theo ít hay nhiều. Nhưng ba thường dành một phần nhất định để mẹ nấu canh măng. Tôi lại nhận nhiệm vụ loanh quanh lối rào, ngõ xóm để tìm những ngọn lá lốt, vài trái ớt, những trái khế, những đọt rau chua để nồi canh của mẹ thêm ngon, thêm nức lòng thơ trẻ như tôi hồi ấy.
Nồi canh măng thường được mẹ dọn ra sau cùng, lúc mâm cơm bưng lên, bởi canh măng chua này phải ăn nóng mới ngon, nhất là mùa mưa lạnh thế này. Khi cơm đã xới ra, thức ăn đã gắp vào, chan canh măng, vừa xuýt xoa, vừa thấy vị chua của khế, của măng hòa cùng vị cay của ớt, vị ngọt của cá đồng. Cảm giác ấy không thể nào quên được, nhất là những ngày trời mưa to...
Đã bao lần ra đi, mong kiếm tìm một chút gì đó giữa cuộc đời lắm chông gai và muôn màu, nhưng lúc mỏi mệt thì bữa cơm nhà ấm cúng cùng với bát canh măng mùa bão của mẹ lại thôi thúc tôi quay về. Không đâu bình yên hơn, không đâu thân thiết hơn. Từ hàng rào quê, ngõ xóm, từ những gốc rạ, góc vườn, vậy mà những món ăn qua bàn tay mẹ vừa ngon lại vừa nuôi tôi lớn lên từng ngày. Điều ấy, chưa chắc những bà mẹ thành phố với muôn vàn đồ ăn thức uống đắt tiền hay ngoại nhập có thể làm được. Bát canh măng mùa bão lụt của mẹ không những nuôi tôi lớn về hình hài mà còn làm cho lòng những đứa con của mẹ thêm yêu, trân trọng từng bữa ăn dù chân chất, đạm bạc nơi quê nhà.
Rồi mai, trời quang mây tạnh, tôi lại ra đi, nhưng lòng luôn mang theo một mảng hồn quê, một khối tình mẹ bao la quện vào nhau trong vị canh măng vẫn còn như đang ở đâu đây. Và, để thấy rằng mình vẫn còn tin vào quê hương, vẫn nhớ và mến yêu gốc gác của mình dẫu đó chỉ là bờ tre, gốc rạ, vườn cây với trúc, ngâu, ổi oằn mình theo từng cơn gió bão....
Xuân Vân