Tối, ngồi xem ti vi, khi cô phát thanh viên thông báo phía Bắc đang có một bộ phận không khí lạnh, mẹ lại thở dài bâng quơ rồi than: “Lạnh quá! Cứ như thế làm sao mà sống nổi...”. Nghe nhiều lần câu đó, đôi khi mấy đứa trẻ con bật cười, bà lo xa quá. Ti vi báo vậy nhưng chắc gì lạnh đã đến nhà mình. Mà có đến thì áo ấm, chăn nệm đầy ra đấy, làm sao mà chết vì lạnh được. Mẹ lắc đầu...
Chẳng hiểu ở đâu, ký ức bỗng ùa về, lại miên man nhớ những “mùa đông ở quê” lạnh đến tê người. Tối đến nhà nào cũng phải có bếp than âm ỉ cháy để chống lại giá lạnh luồn qua khe cửa. Trẻ con thường mang sách vở đến ngồi bên bếp lửa, vừa ê a học bài mà mắt cứ díp lại vì hơi ấm của than. Người lớn hay kể chuyện xưa, rồi lo trời cứ lạnh mãi thì có nhà hết gạo ăn, mà tết nhất sắp đến nơi rồi...
Bỗng nhớ về người bạn nhỏ, cùng học trường làng thủa thiếu thời. Nhà bạn có 5 chị em gái. Mùa rét, áo bạn không đủ ấm. Bạn đi học mà nhiều hôm răng đánh lập cập vào nhau. Có lần, bạn mặc một cái áo còn không lành. Những chỗ nào da thịt hở ra, tím tái trong gió lạnh. Vậy nhưng, bạn vẫn luôn cười tươi, vẫn nhớ chia cho tôi nửa củ khoai nướng ấm sực vào những buổi chiều mùa đông rét mướt...
Sao tôi bỗng nhớ quá mùi gạo bà đong, mùi áo len, mùi bã trầu của bà. Cảnh hai bà cháu ngồi trước hiên nhà, cây ổi khẳng khiu, rụng lá cong queo đầy góc sân. Hai bà cháu, người ụ lên vì lèn thật nhiều lớp áo len. Hai cái bóng tròn xoe bên nhau trên hiên nhà nhạt nắng. Mùa rét, những ngón tay cóng lạnh vì se giá. Làn da khô nẻ và những cái xuýt xoa trong gió mùa căm căm.
Mùa đông, chợt nhớ bóng cha mỗi sáng sớm lặng phắc như bóng núi. Tôi cuộn mình trong ổ rơm, như củ khoai đất phèn vùi tro trấu mà nghe nhồn nhột sống lưng. Nghe tiếng giòn giã thuốc lào, cha trầm tư trong khói nghĩ về gió bấc mưa giông, về những cánh đồng quanh năm gối vụ. Lưng mẹ còng thêm sau mỗi mùa đông giá, ngón tay gầy hơ trên chén nước chè xanh sóng sánh. Nồi cơm mới nở hương, bên chén tép riu đồng làm ấm lòng cha trên những đường cày vạm vỡ.
Nhiều mùa đông ở quê trôi qua như thế, để người lớn tóc mỗi ngày một bạc, trẻ con thành người lớn, mỗi mùa đông má lại đỏ hồng bên bếp lửa than hồng ấm...
Nhiều năm ở phố, tôi đã quen với những mùa đông không có bếp than âm ỉ cháy. Những sớm mai sửa soạn khăn áo lại nhớ những mùa đông đã xa, khi mình còn bé và mẹ đưa đến trường trên chiếc xe đạp cọc cạch. Chợt giật mình vì dường như mình vô tâm quá đỗi. Khi cứ vội vã bắt kịp nhau trong nhịp sống hiện đại.
Bùi Hữu Cường