Mùa xuân ấm no với người Mông ở Đắk Nông

Tỉnh Đắk Nông có hơn 4.000 hộ, với khoảng 25.000 nhân khẩu đồng bào Mông đang sinh sống, tập trung chủ yếu ở hai huyện Tuy Đức và Đắk G’long. Phần lớn đồng bào Mông di cư vào tỉnh Đắk Nông đều là hộ nghèo, đời sống khó khăn.

Tuy nhiên, bà con dân tộc Mông rất cần cù, chịu khó, tích cực lao động sản xuất, nhằm nâng cao đời sống gia đình và cộng đồng thôn, bản nơi ở mới; ít trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước. Đời sống của bà con từng bước ổn định, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị tại địa phương.

Tự lo làm ăn

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Sùng A Hồ ở thôn 1 thuộc xã Đắk Som, huyện Đắk G’ Long (tỉnh Đắk Nông) là một điển hình làm kinh tế gia đình giỏi của bà con dân tộc Mông vươn lên từ khó khăn nhờ cần cù lao động. Năm 2006, gia đình anh Sùng A Hồ từ miền Bắc vào Đắk Nông lập nghiệp, cuộc sống trên vùng đất mới vô cùng khó khăn, tài sản duy nhất mà gia đình anh có được là ngôi nhà lá tạm bợ và 5 sào đất rẫy. Thế nhưng, với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, ngoài việc đi làm rẫy, anh chị còn đi làm thuê, rồi chăn nuôi thêm bò, heo để tăng thu nhập và lấy phân bón cho cây trồng.

Cơ sở hạ tầng các khu định cư được đầu tư đồng bộ.


Sau vài năm tần tảo và nhất là biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc chăm sóc cây trồng, nên kinh tế của gia đình ngày càng khá giả, có điều kiện mở rộng thêm diện tích cây trồng, đào ao thả cá. Anh rất tích cực tham gia các lớp tập huấn do địa phương tổ chức, nên biết cách sản xuất có hiệu quả. Hiện gia đình anh có 3 ha cà phê, 3 sào lúa, 3 con bò và hơn 0,5 ha ao nuôi cá..., trung bình mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh cũng sẵn sàng truyền đạt những kinh nghiệm, kiến thức làm giàu cho bà con trong thôn để cùng nhau vươn lên.

Anh Sùng A Hồ tâm sự: “Cuộc sống ở quê cũ nghèo khổ, nên gia đình tôi cũng như bà con trong thôn đều quyết tâm đi xa lập nghiệp và chăm chỉ làm ăn. Gia đình có điều kiện thì con cháu mới được ăn học đàng hoàng và có thể vươn lên trong cuộc sống”.

Theo ông K’Tang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đắk Som, hiện nay, trên địa bàn xã có gần 500 hộ đồng bào Mông với hơn 3.000 nhân khẩu. Khi vào Đắk Nông lập nghiệp chưa lâu, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng bà con luôn phát huy tinh thần đoàn kết, cần cù, chịu khó làm ăn. Nhờ đó, cuộc sống của đồng bào ngày càng ổn định và có điều kiện phát triển, không còn tình trạng trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tuyên dương những gia đình làm kinh tế giỏi để khuyến khích đồng bào phát huy nội lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Ở Tây Nguyên, nhưng đồng bào Mông vẫn giữ được nét văn hóa trong trang phục của dân tộc.


Dưới sự hỗ trợ của các chính sách


Ông Trần Phương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Đắk Nông cho biết: “Tỉnh Đắk Nông đã và đang thực hiện nhiều giải pháp ổn định cuộc sống cho đồng bào Mông; phấn đấu đến năm 2020, hoàn thành công tác định canh, định cư cho bà con; tất cả các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc Mông sinh sống có đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu về giao thông, mạng lưới điện, thông tin, nước sinh hoạt, nước sản xuất, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng. Các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Đắk Nông quyết tâm triển khai thực hiện một số công tác ở vùng dân tộc Mông theo Chỉ thị số 45 - CT/TW ngày 23/9/1994 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhằm giúp đồng bào Mông ổn định nhanh và phát triển. Ngoài việc quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc và miền núi nói chung, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 08/CT - TU ngày 07/12/2011 về việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh vùng đồng bào Mông trên địa bàn tỉnh”.

Từ năm 2004 đến năm 2014, cùng với sự đầu tư hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Đắk Nông đã triển khai 17 dự án ổn định dân di cư tự do (DCTD), trong đó có 2 dự án ổn định dân DCTD đồng bào Mông với số vốn đầu tư 161 tỷ đồng. Với số vốn này, tỉnh Đắk Nông đầu tư vào 2 dự án ổn định đời sống cho bà con dân tộc Mông đó là, dự án cho đồng bào Mông tại Tiểu khu 1541 ở xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, với số vốn hơn 101 tỷ đồng, đã triển khai các hạng mục bố trí đất ở, đất sản xuất theo dự án và được phê duyệt là 489 hộ, với 2.364 nhân khẩu (đất ở 400m2/ hộ, đã hoàn thành 100%; đất sản xuất 1 ha/hộ, đã thực hiện được hơn 80% số hộ và đang tiếp tục giao đất thực địa); đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông liên bản, nội bản; san ủi mặt bằng dân cư; thủy lợi, trường học, điện thắp sáng, công trình nước sinh hoạt. Còn dự án đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào Mông tại huyện Đắk Glong, với gần 60 tỷ đồng, ổn định đời sống cho hơn 3.000 bà con dân tộc Mông.

Đồng bào Mông có đất sản xuất, không lo nghèo đói.


Tính đến nay, tỉnh Đắk Nông đã sắp xếp ổn định cho 2.557 hộ, với 14.053 khẩu đồng bào Mông; đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông từ thôn, bản lên xã hơn 100km; đường nhựa hóa liên thôn, liên bản 30 km; 11 công trình nước sinh hoạt tập trung; 07 nhà mẫu giáo; 05 nhà văn hóa; hơn 2.500 hộ được dùng điện thắp sáng. Đời sống của đồng bào Mông đã có nhiều đổi mới so với trước đây.

Ông Trần Đình Mạnh Bí thư Huyện ủy Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) cho biết: “Từ năm 2004 đến nay, huyện đã phối hợp với Trung đoàn 720 (Binh đoàn 16) của Bộ Quốc phòng thực hiện dự án kinh tế - quốc phòng. Dự án đã bố trí, sắp xếp ổn định được 6 bản gồm 1.000 hộ với hơn 5.000 nhân khẩu; đầu tư cơ sở hạ tầng, cấp đất ở 400 m2/hộ, đất sản xuất 1 ha/hộ; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và kỹ thuật chăm sóc cây trồng, hỗ trợ làm nhà ổn định. Đơn vị tiếp tục đầu tư khai hoang hơn 200 ha đất ruộng nước, xây dựng đường giao thông liên bản, xã, trường tiểu học, lớp mẫu giáo, bệnh xá quân y với tổng kinh phí 17,7 tỷ đồng. Qua đó, đời sống của đa số đồng bào Mông đã được ổn định và phát triển. Từ năm 2008,Trung đoàn 720 đã chuyển giao 330 ha đất sản xuất, 93 ha đất ở và số hộ dân trên về cho xã Đắk Ngo quản lý theo đơn vị hành chính’’.

Cùng với sự quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thì công tác an ninh trật tự trong đồng bào dân tộc Mông cũng được các cấp Đảng và chính quyền tỉnh Đắk Nông quan tâm đúng mức. Đến nay, đa số bà con tin tưởng và chấp hành tốt đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực, cần cù lao động sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Năm 2004, tỷ lệ nhà tranh tre dột nát trong đồng bào dân tộc Mông là gần 100%, thì đến nay tỷ lệ nhà kiên cố đã chiếm trên 80%. Từ chỗ không có người dân tộc Mông tham gia vào các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể năm 2004, thì đến nay đã có hàng trăm người. Công tác giáo dục đào tạo đối với người dân tộc Mông cũng không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Các cấp học đều tăng về số lượng học sinh và có học sinh người dân tộc Mông đang học và tốt nghiệp các trường trung học, cao đẳng và đại học. Từ chỗ di cư tự do sống rải rác, đến nay nhiều vùng đồng bào dân tộc Mông đã được quy hoạch, bố trí sinh sống tập trung và đã hình thành các đơn vị hành chính, các thôn, bản dân tộc Mông. Đây là những kết quả hết sức to lớn và là bước chuyển biến vượt bậc trong đời sống, kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Một mùa xuân lại về trên đất Tây Nguyên, khắp những thôn, bản của bà con Mông bừng lên sức sống mới. Trên gương mặt của mỗi người sang lên một niềm tin vào tương lai, cuộc sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng cao. Bà con dân tộc Mông lại đón một mùa xuân ấm no, hạnh phúc trên quê hương mới Đắk Nông.


Bài và ảnh: Trần Hữu Hiếu


Giữ nét văn hóa độc đáo của người Mông
Giữ nét văn hóa độc đáo của người Mông

Đồng bào dân tộc Mông ở Sơn La đón Tết khi tiết trời vùng cao còn chìm trong sương mù, lạnh giá. Đây cũng là dịp để phụ nữ Mông khoe trang phục truyền thống đặc sắc và trổ tài nội trợ. Người già thì cùng nhau uống rượu ngô, thăm hỏi, chúc tụng nhau trong ngày đầu năm mới mọi sự tốt lành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN