Mường Khương và Bát Xát - Điểm nhấn mới của du lịch Lào Cai

Trên hai cánh cung đông bắc và tây nam của tỉnh Lào Cai, ngoài những điểm du lịch vốn nổi tiếng là Sa Pa và Bắc Hà, những người làm du lịch Lào Cai gần đây rất quan tâm đến tiềm năng du lịch hai huyện Bát Xát và Mường Khương, nơi không chỉ có nhiều núi non, phong cảnh thiên nhiên đẹp, phù hợp với du lịch sinh thái, mà còn rất giàu bản sắc văn hóa dân tộc, có thể đáp ứng nhu cầu du lịch cộng đồng, khám phá của du khách thập phương.

"Đánh thức" tiềm năng du lịch Mường Khương

Nhằm sớm khai thác tiềm năng du lịch, UBND huyện Mường Khương đã quyết định đầu tư 34,3 tỷ đồng trùng tu, tôn tạo, nâng cấp các di sản, để đưa vào khai thác phục vụ du khách giai đoạn từ 2011 - 2015.

Phong cảnh ruộng bậc thang ở Bát Xát (Lào Cai). Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN


Huyện Mường Khương nằm trên tuyến du lịch phía đông bắc, từ thành phố Lào Cai đi Mường Khương - Si Ma Cai Bắc Hà... Giai đoạn 2011 - 2015, huyện Mường Khương đã đầu tư cải tạo 4 cụm hang động, đồng thời xây dựng thêm 6 làng nghề, 6 làng văn hóa truyền thống, nhằm phục vụ phát triển du lịch. Từ đây sẽ nối với huyện Si Ma Cai, Bắc Hà theo tuyến quốc lộ 4E đã và đang khôi phục, nâng cấp. Trên dọc tuyến này có các chợ văn hóa nổi tiếng như chợ Sín Chéng, Cán Cấu (huyện Si Ma Cai) và chợ trung tâm Bắc Hà; hồ thủy điện Cốc Ly rộng trên 600 ha sẽ đưa vào khai thác phục vụ du lịch trong năm nay.

Trên tuyến này hiện còn có gần 20 hang động chưa được khai thác. Riêng huyện Mường Khương có 16 hang động nằm rải rác ở 15 xã, thị trấn của huyện. Giai đoạn 2011 - 2015, huyện Mường Khương đưa vào kế hoạch đầu tư 34,3 tỷ đồng cải tạo tiếp 11 hang, trong đó có quần thể hang Hàm Rồng, hang thác Tà Lâm (thị trấn Mường Khương), hang Nấm Oọc (xã Nấm Lư), hang Séo Tủng (xã Tung Chung Phố)... đầu tư xây dựng thêm các cụm làng nghề thổ cẩm Sa Pả 9, Sa Pả 10, Sa Pả 11; Cốc Ngù; Na Ản; Dì Thàng, đồng thời xây dựng thêm 6 làng văn hóa thuộc cụm quy hoạch tôn tạo hang động.

Theo ông Phạm Bá Uyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương, Dự án bảo tồn và tôn tạo các cụm hang động và các làng nghề, làng văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch huyện Mường Khương từ năm 2011 - 2015 cũng đã đưa ra giải pháp cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển một bộ phận lao động từ sản xuất nông nghiệp sang thương mại - dịch vụ, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, bảo đảm giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Bát Xát tạo hình ảnh mới về du lịch

Theo ông Bùi Hữu Lợi, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Bát Xát, huyện đã xây dựng chiến lược phát triển nhằm tạo hình ảnh mới về du lịch nơi đây. Xác định thế mạnh của Bát Xát là du lịch khám phá, nghỉ dưỡng, huyện đã phát triển du lịch theo hướng xã hội hóa, huy động các thành phần kinh tế, hộ gia đình tham gia. Trên cơ sở đó, nhiều chính sách ưu tiên "kích cầu" du lịch được triển khai, lồng ghép các chương trình, dự án xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch cộng đồng.

Tuyến du lịch phía tây nam của Lào Cai, ngoài khu du lịch Sa Pa nổi tiếng được khai thác đã lâu, còn phải kể đến địa danh huyện Bát Xát. Nếu xuất phát từ thành phố Lào Cai lên Sa Pa thăm Thác Bạc, Bản Khoang sau đó qua đất Bát Xát thăm khu rừng nguyên sinh Ý Tý, ngắm cảnh đẹp A Mú Sung - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt rồi sau đó xuôi theo đường tỉnh lộ 156 dọc bờ sông Hồng về đến Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, hành trình dài gần 150 km đủ một tour du lịch có thể đi bằng ô tô, xe gắn máy, đi xe thô sơ kết hợp đi bộ với nhiều điểm dừng chân như: Sa Pa, Ý Tý, Mường Hum, thị trấn Bát Xát hoặc ngược lại thì mới thấy được hết những nét độc đáo về thiên nhiên và kho tàng văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số như: Giáy, Dao, Mông, Hà Nhì... nơi đây.

Nhằm "đánh thức" tiềm năng du lịch, Bát Xát đang nỗ lực khôi phục, phát huy những nét đẹp văn hóa, mở các tour, tuyến nhằm thu hút du khách. Huyện coi trọng tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá tiềm năng. Đến nay, Bát Xát đã xây dựng, ra mắt nhiều làng văn hóa du lịch cộng đồng nằm trên các tuyến du lịch tạo thành chuỗi các điểm liên kết. Hiện có 5 điểm du lịch tạo thành các điểm vệ tinh xung quanh để phục vụ khách du lịch nước ngoài khi đến tham quan, tìm hiểu giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Các điểm du lịch: Lũng Pô - "Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt" gắn với làng văn hóa du lịch Mông tại thôn Lũng Pô II; du lịch cộng đồng thôn Lao Chải - nơi cội nguồn văn hóa người Hà Nhì tại Lào Cai; du lịch cộng đồng tại cụm thôn trung tâm xã Dền Sáng gắn với văn hóa dân tộc Dao đỏ; du lịch chợ Mường Hum gắn với văn hóa chợ vùng cao; du lịch trung tâm xã Bản Xèo gắn với văn hóa dân tộc Giáy... đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thường xuyên của khách nước ngoài. Theo thống kê của huyện, năm 2011 mới đưa vào hoạt động thử nghiệm các điểm trên tuyến du lịch, nhưng Bát Xát đã thu hút trên 200 lượt khách tham quan.

Với 2 điểm và tuyến du lịch kể trên khi đưa vào hoạt động thường niên, Lào Cai sẽ đạt mục tiêu đón trên 1 triệu lượt du khách/năm và đủ điều kiện "giữ chân" các khách du lịch lâu hơn, nhất là du khách nước ngoài thích tham quan khám phá, tăng thu cho ngân sách địa phương và xây dựng du lịch thành nghề mũi nhọn giúp đồng bào vùng cao xóa đói giảm nghèo.

Lục Văn Toán

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN