Xuống núi mưu sinhSự hiện diện của những “dáng hồng” sơn cước Sa Pa đã làm nên một sắc màu đặc trưng của phố núi du lịch này. Họ là những phụ nữ người Mông, Dao, Giáy… trong những bộ trang phục sặc sỡ của dân tộc mình. Ngày nào, họ cũng có mặt ở trung tâm thị trấn để kiếm sống. Nhà họ xa lắm, vì bản của họ ở xa, cách trung tâm thị trấn tới gần chục cây số, họ xuống núi, nơi thu hút đông đảo khách du lịch ở mọi miền, mong sẽ có được thu nhập mỗi ngày.
Những phụ nữ người dân tộc mưu sinh ở phố núi Sa Pa. |
Xuống núi để mưu sinh, những sơn nữ người dân tộc mang theo niềm hi vọng sẽ kiếm được nhiều tiền về để trang trải cuộc sống gia đình. Vì đây là thị trấn du lịch, là phố núi nên họ sẽ mang đến đây những “đặc sản” chỉ có ở trên núi cao như hoa lan rừng, lợn cắp nách, những vị thuốc quí… Mỗi người một thứ, tập trung ở nơi trung tâm thị trấn sẽ làm nên những hương vị và sắc màu cho Sa Pa thơ mộng và huyền ảo.
Vàng Thị Mấy, 37 tuổi, người dân tộc Mông ở Sa Pa chia sẻ: “Xuống thị trấn, có gì thì mang bán, lan rừng, cây thuốc, củ mật gấu… tất cả đều kiếm được tiền. Muốn có thứ bán, phải lặn lội lên rừng tìm đào về, mệt lắm”.
Sơn nữ cùng con nhỏ kiếm sống ở Sa Pa cho đến tận đêm khuya. |
Qua lời kể của chị Vàng Thị Mấy, chúng tôi biết rằng, những người phụ nữ dân tộc ở Sa Pa ngày ngày, bằng nhiều nghề khác nhau, nhiều cách làm khác nhau và nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng chung một mục đích là kiếm được tiền, mỗi ngày vài chục cũng đã là quí đối với họ lắm rồi.
Chẳng thế mà, dừng chân nơi trung tâm phố núi Sa Pa, ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày, sáng sớm, nửa mùa, ban trưa, chiều hay đêm tối, đều thấy bóng dáng của những sơn nữ. Dù họ đi bên lề đường, họ ngồi bên bậc thềm hay ngồi giữa chợ thì họ đều đang làm việc. Nếu đi thì trên tay có thể cầm nhánh lan rừng, bó củ thuốc mật gấu hay một túm những mảnh thổ cẩm với họa tiết nhiều màu sắc. Họ đi như vậy là kiểu bán hàng “di động”, một kiểu bán hàng đặc trưng ở phố núi này. Gặp bất kỳ khách du lịch nào họ cũng chào mời mua, thậm chí không ngần ngại đi theo khách một đoạn xa, lời chào mời của họ khá thân thiện và cởi mở.
Sơn nữ người Dao bên quầy hàng trong đêm ở Sa Pa. |
“Bán hàng kiểu này kiếm được ít tiền lắm, ngày nhiều thì được 80-100 nghìn, còn ít thì được năm chục thôi. Đi nhiều chân cũng mỏi”, một phụ nữ Mông chạc tuổi 40 chia sẻ với chúng tôi khi trên tay cầm đầy những dây trang trí thổ cẩm và một số đồ lưu niệm nhỏ.
Có những sơn nữ gắn bó cuộc mưu sinh của mình với một gian hàng nho nhỏ nơi góc đường, bên lề chợ hay tại nơi mà những người đồng hành của họ tụ tập để tạo nên một chợ thổ cẩm nho nhỏ ở phố núi. Nơi bán hàng của những người phụ nữ người Mông, người Dao ở đây không có mái che, khi xuống núi, họ chỉ chọn địa điểm rồi dọn hàng ra bày bán. Điều đó có nghĩa là cả một ngày, thậm chí cho đến tận đêm khuya, họ phải đối diện với nắng gió, mây mờ. Chẳng thế mà khi quan sát khuôn mặt của những người phụ nữ ngồi bên những gian hàng thổ cẩm, chúng tôi đều cảm nhận được vẻ mệt mỏi và đậm chất hoang hoải sương núi.
Gian hàng của những sơn nữ bày bán toàn đồ thổ cẩm. Từ váy áo, mũ, đồ lưu niệm như túi xách, khăn, đệm… đều được làm từ chất liệu thổ cẩm. Điều đặc biệt, những thứ đó, đều do chính bàn tay của những sơn nữ người dân tộc làm ra và mang xuống núi bày bán cho khách du lịch. Với họ, đây là cách quảng bá sản phẩm của dân tộc mình, và đó cũng là cách để họ mưu sinh ở vùng đất du lịch nổi tiếng này.
Gian nan và bấp bênhTuy nhiên, theo nhiều phụ nữ bán hàng ở Sa Pa thì mặc dù ngày nào cũng bày bán nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Bởi lẽ, khách du lịch khi đến Sa Pa chủ yếu là tham quan, chiêm ngưỡng là chính. Khách đến gian hàng chủ yếu vẫn là ngắm nghía, nâng lên, đặt xuống rồi có mua thì chỉ mua một thứ hàng nho nhỏ. Vì thế, từ sáng sớm cho đến tận đêm khuya, những sơn nữ nơi phố núi này kiên trì ngồi bán hàng nhưng thu nhập của họ có ngày cũng chỉ tính bằng vài chục ngàn đồng.
Không gian bày bán thổ cẩm của cư dân bản địa ở Sa Pa. |
Để có thể kiếm được nhiều tiền trong mỗi ngày mưu sinh ở Sa Pa, những người phụ nữ kiếm sống ở đây còn không ngần ngại học ngoại ngữ để có thể giao tiếp với du khách nước ngoài. Vốn ngôn ngữ ít ỏi và giản đơn như chào hỏi, mời mua hàng, đưa ra giá cả… cũng không mấy khó khăn với các sơn nữ khi họ cố học thuộc để dễ bề bán hàng cho khách ngoại.
Mưu sinh ở phố núi Sa Pa mỗi ngày với các sơn nữ quả là một sự gian nan và bấp bênh. Thu nhập của họ phụ thuộc rất nhiều vào việc mua của khách du lịch. Khó lòng được trước bởi sức mua ấy còn phụ thuộc rất nhiều vào tính cách ưa khám phá, vào thị hiếu của khách.
Khi xuống núi, họ còn mang theo con nhỏ. Những đứa trẻ tóc vàng hoe nằm ngủ ngon lành sau tấm địu trên lưng mẹ. Còn người mẹ thì tay vẫn cầm lủng lẳng giò phong lan và quà lưu niệm để bán dọc các ngả đường. Còn khi mẹ ngồi bán hàng bên lề đường thì những đứa trẻ ấy ngồi bên cạnh mẹ hoặc lê la ra thềm gạch cho đến tận đêm khuya. Chúng cũng đồng hành với mẹ mình ở phố núi mỗi ngày.