Mỹ: Biểu tình tại Ferguson có dấu hiệu lắng dịu

Lực lượng vệ binh quốc gia và cảnh sát Mỹ đã bắt giữ ít nhất 400 người quá khích tham gia làn sóng biểu tình kéo dài 3 ngày qua để phản đối việc tòa án Mỹ không xét xử một cảnh sát da trắng bắn chết nam thanh niên da màu ở thị trấn Ferguson, bang Missouri hồi tháng 8 vừa qua.

Những người trên bị bắt giữ tại vùng ngoại ô hạt St. Louis và nhiều nơi khác trên nước Mỹ sau khi xảy ra các vụ đốt xe cảnh sát và tấn công các cửa hàng. Theo cảnh sát trưởng hạt St. Louis, ông Jon Belmar, bước sang ngày biểu tình thứ ba, tình hình đã dần ổn định và mức độ phá hoại cũng giảm đáng kể so với hai ngày trước đó. Cụ thể, trong đêm 25/11, cảnh sát tại Ferguson chỉ bắt giữ 45 người, giảm hẳn so với 61 người bị bắt giữ trước đó một ngày.

Biểu tình tại Clevelan, bang Ohio, phản đối phán quyết của tòa án thành phố St. Louis ngày 24/11. Ảnh: THX-TTXVN


Ngoài thị trấn Ferguson - "tâm bão" của các vụ bạo loạn, lực lượng an ninh Mỹ cũng đang theo dõi sát các cuộc tuần hành và biểu tình tại nhiều thành phố lớn như Boston, New York, Los Angeles, Dallas, Atlanta... Đây là một trong những làn sóng biểu tình quy mô lớn hiếm khi xảy ra tại Mỹ, phản ánh tâm lý tức giận của người dân Mỹ trước tình trạng phân biệt chủng tộc ở nước này.

Ngày 24/11, bồi thẩm đoàn hạt St. Louis đã ra phán quyết miễn truy tố đối với cảnh sát Darren Wilson, người đã bắn chết nam thanh niên da màu 18 tuổi Michael Brown tại trị trấn Ferguson cách đây hơn 2 tháng. Phán quyết này đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình, bạo loạn chưa từng có ở Mỹ trong nhiều năm gần đây, nhất là tại Ferguson và một số thành phố lớn.

Biểu tình phản đối cũng đã vượt bờ Đại Tây Dương lan sang thủ đô London của Anh, nơi hàng nghìn người dân "xứ sở sương mù" đã xuống đường bày tỏ tức giận trước vụ việc. Nhiều cuộc tranh luận về nạn phân biệt chủng tộc cũng đã nổ ra trên toàn nước Mỹ kể từ sau cái chết của thanh niên da màu Brown dưới họng súng cảnh sát.

Tình hình căng thẳng buộc Tổng thống Barack Obama phải liên tục kêu gọi các bên kiềm chế. Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã cử các nhóm thuộc Bộ An ninh nội địa và Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) tới Ferguson điều tra vụ việc và Sở cảnh sát thị trấn.

Trong một tuyên bố ngày 26/11 liên quan đến vụ việc tại Ferguson và làn sóng biểu tình nổ ra trên khắp nước Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng Mỹ "nên tập trung vào các vấn đề bảo vệ nhân quyền trong nước" hơn là đi thuyết giáo các nước khác. Đây là tuyên bố của thứ hai của Bộ Ngoại giao Nga liên quan đến vụ việc Ferguson, trong đó nêu rõ "sự bùng nổ làn sóng phẫn nộ quy mô lớn từ người dân và cách phản ứng không tương xứng của các cơ quan thực thi pháp luật một lần nữa cho thấy nền dân chủ Mỹ không vượt qua được sự chia rẽ sắc tộc, kỳ thị và bất bình đẳng".

Trước đó, Mỹ thường xuyên chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin đàn áp những người bất đồng chính kiến.


TTXVN/Tin tức
Hai đặc vụ FBI bị bắn gần khu vực bất ổn Ferguson
Hai đặc vụ FBI bị bắn gần khu vực bất ổn Ferguson

Sáng 26/11, 2 nhân viên Cục Điều tra Liên bang (FBI) Mỹ đã bị bắn tại một ngôi nhà ở phía Bắc hạt St. Louis thuộc bang Missouri. Hiện chưa rõ vụ việc này có liên quan tới tình hình bất ổn do căng thẳng về chủng tộc ở trong và xung quanh thành phố Ferguson gần đó hay không.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN