Nhiều binh sĩ Mỹ và Iraq đã bị thương do tiếp xúc với vũ khí hóa học tại Iraq trong khoảng thời gian từ 2004-2011 tuy nhiên Lầu Năm Góc đã cố tình “bưng bít” sự kiện này.
Đây là thông tin được đăng tải trong một phóng sự điều tra của tờ New York Times, Mỹ. Theo tờ báo danh tiếng này, số vũ khí hóa học trên được sản xuất và hình thành trong cuộc chiến tranh Iran- Iraq (1980-1988) dưới thời cầm quyền của cố lãnh đạo Saddam Hussein.
Binh sĩ Mỹ tại Iraq. Ảnh: AP |
Phóng viên tờ New York Times đã phỏng vấn 17 binh sĩ Mỹ và 7 cảnh sát Iraq khẳng định họ bị thương trong các vụ tai nạn khác nhau liên quan tới vũ khí hoá học đồng thời nghiên cứu các tài liệu mật. Theo đó, có khoảng 5.000 đầu vũ khí hóa học được phát hiện, rất nhiều trong số đó được thiết kế bởi Mỹ và sản xuất tại châu Âu.
John Kirby, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, trả lời phỏng vấn BBC cho biết Bộ trưởng Quốc phòng nước này Chuck Hagel “rất lo ngại” về thông tin có binh sĩ bị thương do không trang bị đầy đủ. Ông Kirby cũng cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ vào năm 2006 đã công bố về việc phát hiện những vũ khí này và thừa nhận có thể tìm thêm được nhiều loại vũ khí hóa học nữa.
Một số lượng lớn vũ khí hóa học của quân đội Iraq dưới thời Saddam Hussein đã bị phá hủy trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 nhưng vẫn còn số lượng lớn được cất giấu.
Hãng tin Ria Novosti dẫn lời phát ngôn viên Bộ quốc phòng Mỹ cho biết chính phủ nước này và Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) đều được thông báo về số vũ khí hóa học tại Iraq ngay khi chúng được tìm thấy. Vậy lý do gì đã khiến Mỹ che giấu việc này trong thời gian dài?
Báo chí bắt đầu đưa ra các giả thiết và điều được nhắc đến đầu tiên là các vũ khí hóa học đó dường như được thiết kế bởi Mỹ và sản xuất tại châu Âu.
Thêm vào đó, số vũ khí này vô cùng cũ kỹ, được sản xuất trước năm 1991 và điều này không hỗ trợ gì cho việc Mỹ khẳng định Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, cái cớ để Mỹ đem quân đến Iraq lật đổ nhà lãnh đạo Saddam Hussein năm 2003.
Bên cạnh đó, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ trả lời phỏng vấn hãng Ria Novosti cho biết nước này quyết định giữ bí mật về số vũ khí trên do lo sợ chúng sẽ rơi vào tay của các lực lượng thù địch hoặc khủng bố tại Iraq và Mỹ cần có thời gian để loại bỏ số vũ khí hoá học này.
Điều gây quan ngại nhất với công chúng là nhiều trong số vũ khí hóa học trên được phát hiện tại khu vực Muthanna ở Iraq, và ở thời điểm này đây là nơi lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kiểm soát. Tuy nhiên một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc khẳng định những vũ khí hóa học bị bỏ lại kia không còn là mối đe đọa.
Hà Linh (CNN, RiaNovosti, Independent)