Ngày 23/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tái khẳng định cam kết của Washington đối với an ninh của Israel, đồng thời nhấn mạnh “không để Iran có vũ khí hạt nhân trong bất kỳ tình huống nào”. Động thái này được xem là một nỗ lực của Nhà Trắng nhằm xoa dịu căng thẳng thời gian gần đây với đồng minh Israel liên quan tới cách tiếp cận mới của Mỹ trong vấn đề hạt nhân Iran.
Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn phát biểu của Tổng thống Obama khi đến thăm một trong những đền thờ Do Thái giáo lớn nhất ở Washington cho biết thoả thuận hạt nhân khung đạt được tháng trước giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với Đức) đã góp phần “đóng băng” một số khâu đoạn trong chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định cam kết của Washington đối với an ninh của Israel. |
Ông Obama cam kết sẽ bảo vệ an ninh của đồng minh Israel và loại bỏ mọi con đường cho phép Tehran tiến tới việc sở hữu bom hạt nhân. Tổng thống Obama nêu rõ: “Cam kết của tôi đối với nền an ninh của Israel đang và sẽ mãi không bao giờ có thể lay chuyển được”.
Cách tiếp cận mới của Chính quyền Obama đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ông Netanyahu cho rằng thỏa thuận hạt nhân với Iran không đủ mạnh, cũng như đe dọa tới an ninh và sự tồn vong của Nhà nước Do Thái. Các nhà đàm phán hạt nhân của Iran và Nhóm P5+1 đang chạy đua tới thời hạn chót ngày 30/6 để đạt một thoả thuận cuối cùng trên cơ sở thoả thuận khung với mục tiêu là Iran giảm thiểu chương trình hạt nhân để đổi lấy sự dỡ bỏ của các biện pháp trừng phạt của Mỹ và cộng đồng quốc tế. Trong ngày 22/5, Tổng thống Obama đã ký thành luật 1 dự luật trao cho Quốc hội Mỹ quyền xem xét 1 thỏa thuận tiềm năng về chương trình hạt nhân của Iran trong tương lai.
Trong một diễn biến khác liên quan, Thủ tướng Israel Netanyahu ngày 23/5 đã gửi lời cảm ơn tới Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Chính phủ Mỹ sau khi Washington ngăn chặn một nỗ lực do Ai Cập khởi xướng nhằm biến Trung Đông thành một khu vực phi vũ khí hạt nhân. Hội nghị kéo dài 1 tháng nhằm đánh giá Hiệp ước Cấm phổ biến Hạt nhân (NPT) đã kết thúc ngày 22/5 mà không đạt được thỏa thuận cấm vũ khí hạt nhân tại Trung Đông.
Ai Cập cáo buộc Mỹ, Anh và Canada đã cố tình phản đối đề xuất này. Tháng trước, với sự ủng hộ của một số nước Arập, Ai Cập cũng đã đề xuất LHQ tổ chức một hội nghị khu vực kéo dài 180 ngày để bàn về lệnh cấm vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Trung Đông. Ai Cập cho rằng hội nghị này có thể diễn ra dù Israel có tham dự hay không.
TTXVN/Tin tức