Mỹ cam kết hỗ trợ an ninh đối với Israel

Chỉ vài giờ sau khi Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) và Iran đạt được một thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Tehran, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng trấn an và tái khẳng định cam kết của Washington đối với an ninh của Israel - đồng minh số một ở Trung Đông và là một trong những quốc gia phản đối mạnh mẽ thỏa thuận với Iran.

Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: AFP/TTXVN


Thông cáo của Nhà Trắng cho biết trong cuộc điện đàm nóng với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 2/4, Tổng thống Obama nhấn mạnh thỏa thuận khung là một "bước tiến quan trọng" nhằm hướng tới một giải pháp lâu dài và toàn diện giúp phong tỏa "mọi con đường" để Iran có thể phát triển vũ khí hạt nhân cũng như đảm bảo chương trình hạt nhân của Tehran chỉ mang mục đích hòa bình.

Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh các bước tiến vừa đạt được sẽ không thể xóa tan mọi nghi ngờ và quan ngại của Mỹ về khả năng Iran hậu thuẫn chủ nghĩa khủng bố và các mối đe dọa đối với Israel, đồng thời khẳng định Washington sẽ luôn duy trì cam kết vững chắc đối với nền an ninh của Israel.

Cũng trong cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Israel, Tổng thống Obama thông báo đã cử một đội an ninh quốc gia đến tham vấn với Chính phủ mới của Israel về cách thức để hai nước có thể tăng cường và củng cố quan hệ hợp tác an ninh lâu dài cũng như biện pháp đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng từ Iran.

Trước đó, ngay sau khi Nhóm P5+1 và Iran công bố đạt được một thỏa thuận khung sau 8 ngày thương lượng căng thẳng tại thành phố Lausanne của Thụy Sỹ, giới chức Israel đã lập tức chỉ trích, coi đây là một "sai lầm lịch sử" khi sẽ tạo điều kiện cho Tehran có quyền hợp pháp phát triển bom hạt nhân. Hãng tin AFP dẫn lời một số quan chức Israel giấu tên nhấn mạnh đây là "một thỏa thuận khung tồi" và sẽ dẫn đến "một thỏa thuận nguy hiểm", có thể khiến thế giới phải đối mặt với nhiều mối đe dọa.

Không chỉ đối mặt với những chỉ trích từ phía đồng minh Israel, Tổng thống Obama cũng đang phải chịu sức ép từ Quốc hội Mỹ hiện do phe Cộng hoà kiểm soát khi nhiều nghị sĩ thuộc đảng này cũng bày tỏ hoài nghi với thỏa thuận khung vừa đạt được tại Lausanne.

Trong một thông cáo đưa ra cùng ngày, Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner chỉ trích đây là một "sự chuyển hướng đáng báo động" từ các mục đích ban đầu của Nhà Trắng, cho rằng Chính quyền Tổng thống Obama đang bao che và có những nhượng bộ nhất định đối với Iran.

Ông nhấn mạnh Quốc hội cần có quyền xem xét chi tiết của mọi thỏa thuận đạt được với Iran trước khi Chính quyền Washington dỡ bỏ bất kỳ lệnh cấm vận kinh tế nào nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này. Đồng tình với quan điểm trên, cựu Thống đốc bang Florida Jeb Bush miêu tả thỏa thuận vừa đạt được "còn nhiều lỗ hổng", cho thấy "những nhượng bộ lớn" của Nhà Trắng đối với một quốc gia có nguy cơ đe dọa đến nền an ninh của Mỹ và Israel.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Bob Corker cũng đang hối thúc các nhà lập pháp "giám sát chặt chẽ" Iran. Nghị sỹ đảng Cộng hòa này cũng đang thúc đẩy một dự luật có tên "Đạo luật xem xét chương trình hạt nhân Iran", theo đó Tổng thống Obama sẽ phải trình Quốc hội mọi thỏa thuận đạt được với Tehran trong vòng 5 ngày và Quốc hội sẽ có 60 ngày để thảo luận và xem xét trước khi quyết định có phê chuẩn hay không.

Tuy nhiên, Nhà Trắng đã ra tuyên bố sẽ phủ quyết bất kỳ dự luật nào của Quốc hội liên quan đến hồ sơ hạt nhân Iran nhằm ngăn chặn mọi động thái cố tình đe dọa thỏa thuận được ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1.

Theo thỏa thuận khung vừa đạt được tại Lausanne, Iran đồng ý cắt giảm 98% lượng urani làm giàu và không sản xuất plutoni trong vòng 15 năm. Số lượng máy ly tâm của Iran cũng được giảm 2/3, còn 6.000 từ 19.000 máy hiện nay.

Tuy nhiên, trong 10 năm tới Iran chỉ được phép sử dụng 5.060 máy ly tâm để làm giàu hạt nhân. Theo Kế hoạch tổng thể chung được thông qua tại Lausanne, trong vòng 15 năm tới Iran đồng ý không xây mới bất kỳ cơ sở làm giàu urani nào, không làm giàu urani quá 3,67% và giảm kho nhiên liệu làm giàu của mình từ 10 tấn xuống còn 300kg.

Lượng nguyên liệu hạt nhân dư thừa sẽ phải chuyển ra ngoài đất nước, không loại trừ đến Nga. Thêm vào đó, Iran cho phép các thanh sát viên quốc tế của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tiếp cận tất cả mọi cơ sở hạt nhân, đồng thời nhất trí thiết kế và xây dựng lại lò phản ứng nghiên cứu nước nặng ở Arak. Đổi lại, các cường quốc cũng đồng ý dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Iran một khi nước này tuân thủ mọi cam kết trong thỏa thuận.


TTXVN/Tin tức
Thỏa thuận khung tạo cơ hội hợp tác năng lượng cho Iran
Thỏa thuận khung tạo cơ hội hợp tác năng lượng cho Iran

Thỏa thuận khung đạt được giữa Iran và Nhóm P5+1 sẽ hạn chế được khả năng làm giàu urani của Tehran, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác khoa học mới trong lĩnh vực năng lượng của nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN