Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 13/6 lần đầu tiên đã cho phép chuyển một số vũ khí cho lực lượng nổi dậy ở Xyri như một phần của gói hỗ trợ quân sự mới cho phe đối lập.
Cảnh đổ nát tại thị trấn Maaret al-Numan, tỉnh Idlib, miền nam Xiry ngày 13/6/2013. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tờ "Nhật báo Phố Uôn" số ra ngày 14/6 dẫn lời các quan chức Mỹ đề nghị được giấu tên cho biết Tổng thống Obama đã chỉ đạo Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) phối hợp với các đồng minh của Mỹ trong việc cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy ở Xyri. Theo đó, Mỹ có thể cung cấp các vũ khí và đạn dược, bao gồm các loại vũ khí chống tăng, song không có vũ khí phòng không.
Tờ báo này cũng cho biết quân đội Mỹ đang đề xuất thiết lập một vùng cấm bay giới hạn quanh các trại huấn luyện của phiến quân. Theo đó, vùng cấm bay sẽ trải dài khoảng 40 km vào sâu lãnh thổ Xyri và do các máy bay chiến đấu, được trang bị tên lửa không đối không tầm xa, bay trên không phận Gioócđani đảm trách. Các máy bay của Mỹ sẽ xuất phát từ Gioócđani, nơi tên lửa Patriot và các máy bay tiêm kích F-16 của Mỹ đã được triển khai, và từ các tàu hải quân ở Địa Trung Hải và Biển Đỏ.
Quyết định can thiệp quân sự vào Xyri của ông Obama được đưa ra sau khi Nhà Trắng thông báo có những bằng chứng cho thấy quân đội của Tổng thống Assad đã sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào lực lượng nổi dậy.
Theo Phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes, sau khi xem xét kỹ, cộng đồng tình báo Mỹ kết luận các lực lượng của chính phủ Xyri đã nhiều lần sử dụng vũ khí hóa học, trong đó có khí độc gây tê liệt thần kinh sarin. Các vụ này được tiến hành năm 2012 ở quy mô nhỏ, làm khoảng 100 - 150 tay súng đối lập thiệt mạng. Cũng theo ông Rhodes, Pháp và Anh đã cung cấp thêm cho Mỹ những bằng chứng rõ ràng hơn về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Xyri.
Xyri tuyên bố Oasinhtơn “dối trá”
Ngày 14/6, chính phủ Xyri phản ứng mạnh mẽ trước cáo buộc của các cơ quan tình báo Mỹ về việc quân đội nước này sử dụng vũ khí hóa học chống lại phe nổi dậy. Đamát khẳng định rằng cáo buộc trên của Oasinhtơn là "dối trá" và dựa trên "các nguồn tin bịa đặt".
Hãng thông tấn chính thức SANA của Xyri dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao nước này nêu rõ: "Tuyên bố của Nhà Trắng về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Xyri là hoàn toàn dối trá, dựa trên những thông tin bịa đặt nhằm tìm cách buộc chính phủ Xyri phải chịu trách nhiệm về hành động không có thực".
Đại sứ Xyri tại Nga, ông Riyad Haddad cũng khẳng định thông tin do Nhà Trắng đưa ra là "hoàn toàn bịa đặt". Ông Haddad nhấn mạnh chính các nhóm nổi dậy ở Xyri đã sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc xung đột, và chính phủ Xyri hồi tháng 3 vừa qua đã đề nghị Liên hợp quốc tiến hành điều tra việc sử dụng vũ khí hóa học của lực lượng nổi dậy trong cuộc tấn công tại thành phố Aleppo.
Cần một cuộc điều tra của LHQ
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 14/6 ra tuyên bố bày tỏ hy vọng Ủy ban điều tra độc lập của LHQ về Xyri sẽ tiến hành điều tra một cách khách quan và công bằng về các cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại quốc gia Trung Đông này.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, quan điểm của Bắc Kinh về vấn đề vũ khí hóa học là rõ ràng và nhất quán. Trung Quốc cực lực phản đối bất cứ bên nào sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc xung đột tại Xyri, đồng thời hy vọng phái bộ của LHQ sẽ tiến hành điều tra phù hợp với luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.
Trong khi đó, cố vấn hàng đầu về chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga, ông Yury Ushakov, cho rằng những thông tin và sự kiện mà Mỹ đưa ra trong cáo buộc Đamát sử dụng vũ khí hóa học là "không thuyết phục". Ông Ushakov cũng cảnh báo rằng quyết định của Oasinhtơn viện trợ quân sự cho phe đối lập Xyri sẽ làm tổn hại sáng kiến hòa bình mới cho cuộc khủng hoảng ở Xyri do Mỹ và Nga đề xuất.
Liên minh châu Âu (EU) cũng bày tỏ đặc biệt quan ngại về kết luận của Mỹ rằng quân đội Xyri đã sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến với lực lượng đối lập, đồng thời nhấn mạnh phải triển khai một phái bộ điều tra của LHQ tới Xyri để làm rõ việc này cũng như thúc đẩy tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Xyri.
L.H (tổng hợp)