Mỹ giục Thủ tướng Iraq rút lui

Ngày 13/8, Nhà Trắng đã hối thúc Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki rút lui để cho phép nhân vật được đề cử làm người kế nhiệm ông thành lập chính phủ.

Phát biểu với báo giới, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Ben Rhodes nói: “Ông
Nuri al-Maliki cần tôn trọng tiến trình đó. Chính người Iraq đã quyết định điều này”.

Cũng theo ông Rhodes, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang cân nhắc các phương án có thể triển khai để giúp cung cấp viện trợ nhân đạo cho những người Iraq đang bị phiến quân Hồi giáo vây hãm, song loại trừ khả năng đưa binh sĩ Mỹ đến tham chiến. Tuy nhiên, ông Rhodes từ chối loại trừ khả năng sử dụng các lực lượng Mỹ trên bộ trong vai trò nhân đạo.


Những người ủng hộ Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki tuần hành tại thủ đô Baghdad ngày 11/8. Ảnh: AFP-TTXVN


Trong diễn biến liên quan, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) khẳng định tổ chức này cảm thấy khích lệ trước việc ông Haider al-Abadi được đề cử làm Thủ tướng Iraq, bởi đó là một bước đi quan trọng tiến tới việc thành lập một chính phủ đại diện cho tất cả các thành phần trong xã hội Iraq.

Trong một tuyên bố, HĐBA hối thúc ông al-Abadi “nhanh chóng làm việc để thành lập chính phủ một cách nhanh nhất có thể trong khuôn khổ thời gian hiến định”, đồng thời kêu gọi “tất cả các chính đảng và những người ủng hộ giữ bình tĩnh và tôn trọng tiến trình chính trị được quy định trong hiến pháp”.

* Cùng ngày, Lầu Năm Góc cho biết số người tị nạn Yazidi bị cô lập trên núi Sinjar ở miền Bắc Iraq ít hơn nhiều so với ước tính trước đó và họ ở trong điều kiện tốt hơn dự kiến.

Phát biểu sau khi một nhóm binh sĩ Mỹ tới đánh giá tình hình nhân đạo trên núi Sinjar, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, Chuẩn Đô đốc John Kirby nói: “Dựa trên đánh giá này, các cơ quan liên ngành đã xác định rằng khả năng triển khai một sứ mệnh sơ tán là rất thấp”.

Lực lượng an ninh người Kurd tại mặt trận ở Bashiqa, cách thị trấn Mosul khoảng 13km, ngày 12/8. Ảnh: AFP/TTXVN


Trước đó một toán lính Mỹ đã được máy bay đưa tới núi Sinjar ở miền Bắc Iraq để đánh giá tình hình của hàng nghìn dân thường tị nạn đang bị phiến quân Hồi giáo bao vây. Các binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm đã tiếp xúc với người tị nạn rồi trở về căn cứ an toàn ở Arbil, thủ phủ khu tự trị của người Kurd.

Cũng trong ngày 13/8, Mỹ tiếp tục triển khai chiến dịch trên không ở Iraq nhằm vào các phần tử thánh chiến thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) với một cuộc không kích bằng máy bay không người lái nhằm vào một chiếc xe tải vũ trang ở phía Tây thị trấn Sinjar của người Yazidi.

Theo Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ, cơ quan giám sát các chiến dịch ở Trung Đông, chiếc xe tải nói trên ở gần một trạm kiểm soát của IS và tất cả các máy bay của Mỹ đã rút khỏi khu vực này một cách an toàn sau khi phá hủy chiếc xe.

Anh tham gia cứu trợ nhân đạo

Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định nước này sẽ chỉ tham gia cứu trợ nhân đạo ở Iraq để giúp đỡ những người tị nạn Yazidi phải ly tán do bạo lực leo thang. Ông Cameron quyết định cắt ngắn kỳ nghỉ tại Bồ Đào Nha để về nước chủ trì phiên họp của Ủy ban tình trạng khẩn cấp (COBRA) bàn biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng Iraq.

Thủ tướng Cameron cho biết hiện chính phủ Anh đang thảo luận kế hoạch chi tiết để đưa người tị nạn Yazidi xuống núi và đến những nơi an toàn. Cho đến thời điểm này, Anh đã 3 lần thả hàng cứu trợ nhằm giúp người tị nạn ở Iraq. Ông Cameron cũng kêu gọi giới lãnh đạo Iraq cần nhanh chóng chấm dứt tình trạng mâu thuẫn và chia rẽ, tránh tạo cơ hội cho phiến quân thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) lũng đoạn đất nước này.


T.N (theo AFP/Reuters
)

Mỹ khẩn cấp tìm cách giải vây cho người Iraq
Mỹ khẩn cấp tìm cách giải vây cho người Iraq

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel thông báo 130 cố vấn quân sự Mỹ đã được điều thêm tới Iraq để hỗ trợ hoạt động viện trợ nhân đạo ở miền bắc nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN