Trước áp lực liên tục của giới lập pháp cộng với mối lo ngại ngày càng tăng của dân chúng Mỹ, ngày 21/10 chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã quyết định áp đặt các biện pháp hạn chế đối với du khách nhập cảnh vào Mỹ từ các nước phía Tây châu Phi chịu tác động mạnh nhất bởi dịch Ebola.
Du khách từ 3 nước Tây Phi chỉ được phép nhập cảnh qua 5 sân bay lớn của Mỹ.
|
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn thông báo của Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) cho biết tất cả du khách từ ba nước Liberia, Sierra Leone và Guinea, từ ngày 22/10 khi vào Mỹ chỉ được phép nhập cảnh qua cửa khẩu 5 sân bay lớn của Mỹ là John F. Kennedy International Airport ở thành phố New York; Washington Dulles International Airport ở thủ đô Washington DC; O'Hare International Airport ở thành phố Chicago, bang Illinois; Newark International Airport, bang New Jerrsey và Hartsfield-Jackson Atlanta International Airport, bang Georgia.
Đây là 5 sân bay từ ngày 11/10 đã triển khai các biện pháp soi chụp và kiểm tra thân nhiệt của các hành khách từ các quốc gia Tây Phi. Ba sân bay trong số này của Mỹ đón nhận 94% trong tổng số khoảng 150 người từ ba quốc gia trên hàng ngày nhập cảnh vào Mỹ. Bộ trưởng DHS, ông Jeh Johnson cho biết DHS sẽ phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không nhằm thực thi hiệu quả các biện pháp ngăn chặn virus Ebola lây lan vào Mỹ, song vẫn đảm bảo không gây ra những gián đoạn lớn cho các hoạt động của ngành hàng không dân dụng. Biện pháp hạn chế trên cũng được áp dụng với tất cả các du khách, gồm cả công dân Mỹ, đi máy bay, đường biển hoặc đường bộ, nhập cảnh vào Mỹ từ ba quốc gia trên.
Mặc dù quyết định trên nhận được sự ủng hộ của nhiều nghị sỹ Quốc hội, một số nghị sỹ khác tiếp tục kêu gọi áp đặt tất cả các biện pháp kiểm tra y tế tăng cường tại tất cả các sân bay của Mỹ. Một số nhà lập pháp thậm chí vẫn yêu cầu ban hành một lệnh cấm nhập cảnh và hạn chế cấp thị thực nhập cảnh cho các du khách Tây Phi. Kết quả thăm dò dư luận chung của Reuters/Ipsos cùng ngày cũng cho thấy trong hơn 1.600 người Mỹ được phỏng vấn có gần 75% ủng hộ chủ trương cấm du khách từ ba nước Liberia, Sierra Leone và Guinea nhập cảnh vào Mỹ và cấm người Mỹ ra vào ba nước này. Trong khi đó, thăm dò của Gallup cho biết dịch Ebola đã nằm trong danh sách 10 mối lo ngại hàng đầu của người dân Mỹ, chỉ sau vấn đề kinh tế, công ăn việc làm, di cư và hiệu quả hoạt động thấp của chính phủ liên bang.
Trong một diễn biến tích cực cho thấy thành công bước đầu trong nỗ lực khống chế virus Ebola, Trung tâm Y tế Nebraska ngày 21/10 thông báo nhà quay phim tự do làm việc cho hãng truyền hình NBC Ashoka Mukpo, bị nhiễm virus Ebola tại Tây Phi, đã được chữa khỏi và sẽ xuất viện trong ngày 22/10. Đây là bệnh nhân thứ 5 được chữa khỏi tại Mỹ sau nhiều tuần được điều trị tích cực. Trong khi đó, Trung tâm điều trị y tế ở Bethesda và bệnh viện Đại học Emory ở Atlanta cũng thông báo tình hình sức khỏe của hai nữ y tá nhiễm Ebola, do tiếp xúc với dịch từ cơ thể của bệnh nhân người Liberia đã qua đời ngày 8/10 vừa qua, đang phục hồi tích cực.
Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới cũng đang nỗ lực tìm các biện pháp ngăn chặn sự xâm nhập của virus Ebola. Ngày 21/10, CH Dominica đã ra lệnh cấm nhập cảnh đối với tất cả các du khách đã từng lưu lại các nước Tây Phi trong vòng 30 ngày qua, bao gồm Sierra Leone, Liberia, Guinea, Nigeria và Senagal. Chính phủ nước này cũng yêu cầu các hãng tàu thuyền và hàng không thông báo cho nhân viên y tế tại các cảng biển và sân bay nếu có những hành khách đi từ 5 quốc gia trên. Những hành khách xuất hiện các triệu chứng nhiễm Ebola như sốt, buồn nôn, tiêu chảy và đau nhức sẽ được đưa đến các cơ sở y tế điều trị. Như vậy, Dominica là quốc gia mới nhất tại khu vực Caribbean ra lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách các nước trong vùng dịch sau Colombia, Jamaica và St. Lucia.
* Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày cũng ra tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Cuba trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh Ebola, đồng thời đánh giá cao những đóng góp quan trọng của quốc đảo này trong việc hỗ trợ các nước Tây Phi dập dịch. Trước đó, nhật báo "The New York Times" của Mỹ cũng đã đăng bài xã luận ca ngợi những đóng góp tích cực của Cuba, nhấn mạnh việc La Havana cử hàng trăm y bác sĩ tới các "ổ dịch" ở Tây Phi là "hành động đáng khen ngợi", cần được noi theo và có "đóng góp to lớn". Báo trên cũng ủng hộ lời kêu gọi của lãnh tụ Cuba Fidel Castro về việc hai nước nên gạt sang một bên những bất đồng để có thể hợp tác chống mối đe dọa toàn cầu này, đồng thời hối thúc Mỹ ủng hộ công việc của các nhân viên y tế Cuba cũng như hỗ trợ tích cực cho những người không may nhiễm bệnh trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế Singapore ngày 21/10 cho biết chính phủ nước này sẽ đóng góp thêm một khoản kinh phí 150.000 USD cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để chống lại nguy cơ lan rộng của dịch bệnh Ebola. Tuyên bố này được đưa ra trên cơ sở hưởng ứng lời kêu gọi của WHO và Liên hợp quốc, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang thực sự quan ngại về sự lây lan của dịch bệnh Ebola tại phía Tây và trung tâm châu Phi, mà nguyên nhân chủ yếu là do sự đáp ứng không thỏa đáng về thuốc men và các nguồn lực.
TTXVN/Tin Tức