Mỹ đã phải triển khai nhiều biện pháp an ninh và huy động một lực lượng lớn vệ binh và cảnh sát để đối phó với làn sóng biểu tình bạo lực không có dấu hiệu lắng dịu ở thành phố Ferguson, bang Missouri. Người biểu tình ở Washington DC ngày 25/11. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thống đốc bang Missouri Jay Nixon ngày 25/11 cho biết lực lượng Vệ binh Quốc gia ở khu vực Ferguson đã tăng gấp ba, lên hơn 2.000 binh sĩ để hỗ trợ lực lượng cảnh sát địa phương. Lực lượng vệ binh đã phong tỏa đường West Florissant chạy xuyên qua thành phố Ferguson - nơi diễn ra tình trạng cướp phá và phóng hỏa tồi tệ nhất vào đêm 24/11 sau khi phán quyết của ban bồi thẩm được thông báo. Vệ binh còn đứng xung quanh các địa điểm có tài sản bị phá hủy trong đêm 24/11. Ngoài vệ binh, nhiều nhóm người cũng tập trung trên nóc một số cửa hàng cửa hiệu để bảo vệ tài sản của mình trước những kẻ cướp phá. Trong tay ai cũng có bình cứu hỏa và súng.
Cuộc biểu tình diễn ra nhằm phản đối việc viên cảnh sát da trắng Darren Wilson đã không bị truy tố sau khi bắn chết một thanh niên da màu tên Michael Brown cách đây ba tháng. Bất chấp sự xuất hiện của cảnh sát và vệ binh, người biểu tình đã đốt phá một xe cảnh sát, khiến lực lượng cảnh sát phải tuyên bố rằng các cuộc biểu tình này bất hợp pháp, đồng thời cảnh báo có thể sẽ bắt giữ người. Thị trưởng thành phố Ferguson, ông James Knowles kiên quyết: “Chúng tôi sẽ đề nghị thống đốc triển khai mọi nguồn lực cần thiết để ngăn chặn tình trạng phá hủy tài sản và bảo vệ người dân ở Ferguson”.
Tại Los Angeles, lệnh báo động chiến thuật đã được ban bố toàn thành phố, theo đó cảnh sát thành phố có thể thi hành nhiệm vụ ngay cả khi không trong ca trực. Cảnh sát Los Angeles cảnh báo sẽ bắt giữ người biểu tình vi phạm pháp luật, có hành vi cản trở giao thông, gây rối trật tự công cộng. Los Angeles là một trong số 170 điểm biểu tình phản đối vụ việc trên toàn nước Mỹ.
Ngày 25/11, Cao ủy Nhân quyền của Liên hợp quốc (LHQ), Zeid Al-Hussein đã lên tiếng bày tỏ lo ngại trước làn sóng biểu tình đang diễn ra ở Ferguson và nhiều nơi khác trên đất Mỹ. Cùng ngày, đại diện Bộ Ngoại giao Nga Konstantin Dolgov cho rằng các cuộc biểu tình bạo động đang diễn ra ở Ferguson, bang Missouri, cho thấy những vấn đề trong nước nổi cộm tại Mỹ bắt nguồn từ việc Washington không tôn trọng nhân quyền.
|
Trong khi đó, lần đầu tiên viên cảnh sát Darren Wilson xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn trên kênh ABC News để nói về vụ việc. Wilson cho biết trong cuộc cãi lộn với Michael Brown, anh đã sợ bị Brown bắn khi thanh niên này tìm cách giằng lấy khẩu súng của mình. Khi được hỏi liệu có hành động như vậy nếu Brown là người da trắng, Wilson khẳng định là có và nói thêm rằng lương tâm anh không hề bị cắn rứt hay ám ảnh sau vụ việc vì tin rằng mình hành động đúng.
Bất chấp giải thích của Wilson, một nhà hoạt động dân sự tên là Al Sharpton cho rằng vụ Michael Brown đã khơi lại cuộc chiến toàn nước Mỹ đòi nâng cao trách nhiệm của cảnh sát. Ông Sharpton nói: “Đây không phải là vấn đề chỉ của Ferguson… Đây là một vấn đề của cả nước”.
Về phía gia đình nạn nhân Michael Brown, luật sư của họ chỉ trích phán quyết của bồi thẩm đoàn, coi quy trình xử lý vụ việc có vấn đề, đặc biệt là việc Darren Wilson không bị thẩm vấn chéo khi xuất hiện trước bồi thẩm đoàn. Gia đình Michael Brown đang tiếp tục trông chờ vào kết luận của cuộc điều tra liên bang do Bộ Tư pháp thực hiện. Một hướng điều tra là xem Wilson có vi phạm quyền dân sự của Brown hay không. Hướng khác tập trung điều tra xem toàn bộ Sở cảnh sát Ferguson có phân biệt chủng tộc hoặc sử dụng vũ lực thái quá không. Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder cho biết cuộc điều tra sẽ độc lập và hi vọng có thể khôi phục lại niềm tin giữa lực lượng thực thi pháp luật và người dân ở Ferguson.
Thùy Dương