Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nói: "Cuộc trưng cầu ý dân tại Hy Lạp đã kết thúc, nhưng quan điểm của Nhà Trắng không thay đổi, đó là các quan chức EU và Hy Lạp cần thống nhất gói biện pháp cải cách và tài chính cho phép Athens vừa ổn định được gánh nặng nợ công vừa đạt tăng trưởng kinh tế. Có như vậy mới giữ được Hy Lạp vẫn là một phần của Eurozone". Ông Earnest nhấn mạnh đây là thách thức đối với châu Âu trong việc tìm lời giải cho bài toán Hy Lạp.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Với hy vọng thúc đẩy Athens và các bên nối lại đàm phán về giải pháp cứu trợ Hy Lạp, ngày 6/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cũng đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và Bộ trưởng Tài chính nước này. Theo ông Lew, giải pháp cứu trợ "sẽ cho phép Hy Lạp đưa ra những cải cách cấu trúc và tài chính, cho dù khó khăn nhưng cần thiết, trở lại đà tăng trưởng và đạt được sự ổn định về nợ trong khu vực Eurozone".
Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Francois Hollande thảo luận về giải pháp nhằm giữ Hy Lạp ở lại Eurozone. Ngoài việc kêu gọi Athens tiếp tục thực thi các biện pháp cải cách, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tầm quan trọng của việc tìm ra phương hướng đưa nền kinh tế này trở lại tăng trưởng và ổn định tình hình nợ công trong khuôn khổ Eurozone. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh rằng nỗ lực này đòi hỏi sự đồng thuận, có lẽ khá vất vả, từ các bên.
Theo kế hoạch, Hội nghị thượng đỉnh Eurogroup thảo luận về tình hình Hy Lạp được tiến hành khẩn cấp hôm nay (7/7) theo đề xuất của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp François Hollande.
* Eurozone cho Athens cơ hội cuối cùngTờ "Thời báo Tài chính" (Anh) cho biết mặc dù tỏ rõ thái độ khá cứng rắn và quyết tâm không nhượng bộ, nhưng các nước thành viên Eurozone vẫn dành cho Hy Lạp cơ hội cuối cùng để trình bày kế hoạch cải cách mới vào tối 7/7. Tuy nhiên, giới chức Eurozone khẳng định rằng các nhà lãnh đạo sẽ không tái khởi động đàm phán về gói cứu trợ nhằm "giữ chân" Hy Lạp trong liên minh tiền tệ này.
Theo Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel, người dân Hy Lạp đang cần giúp đỡ, châu Âu không thể từ chối họ chỉ vì không hài lòng với cuộc trưng cầu dân ý. Ông Gabriel nhấn mạnh: "Tất cả các quốc gia châu Âu phải sẵn sàng cung cấp viện trợ nhân đạo cho Hy Lạp và điều này có thể sẽ được bàn bạc tại hội nghị sắp diễn ra ở Brussels. Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz cũng cho biết chương trình hỗ trợ nhân đạo cho Athens nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị Eurogroup. Ông nói: "Có thể chúng tôi sẽ cung cấp tín dụng khẩn cấp cho Athens để duy trì các dịch vụ công và để giúp người dân tiếp tục cuộc sống của mình. Châu Âu có nguồn vốn để huy động cho vấn đề này".
Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Brussels (Bỉ) cho biết tại cuộc điện đàm hôm 6/7 với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras chấp nhận sẽ đưa ra những đề xuất của Chính phủ Hy Lạp tại cuộc họp ngày 7/7 nhằm đạt được một thỏa thuận với các chủ nợ châu Âu và IMF. Cũng liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Tsipras đã điện đàm với Tổng thống Pháp François Hollande trước khi thảo luận qua điện thoại với Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi.
Theo các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, châu Âu chờ đợi những đề xuất chi tiết của Hy Lạp trước khi có thể tìm ra lối thoát cho tình trạng hiện nay.