Tình hình an ninh tại thị trấn Ferguson, bang Missouri của Mỹ đã có dấu hiệu vãn hồi sau khi chính quyền địa phương dỡ bỏ lệnh giới nghiêm và lực lượng Vệ binh Quốc gia đã bắt đầu triển khai tại đây. Trong một tuyên bố ngày 18/8, Thống đốc bang Missouri Jay Nixon nêu rõ với các nguồn lực bổ sung đã sẵn sàng, cảnh sát bang Missouri và lực lượng thực thi pháp luật địa phương sẽ tiếp tục phản hồi phù hợp với các vụ vi phạm pháp luật và bạo lực, đồng thời bảo vệ quyền dân sự của tất cả các công dân hòa bình để có thể lắng nghe tiếng nói của họ.
Khoảng 200 binh sỹ thuộc lực lượng Vệ binh quốc gia đã được điều động tới Ferguson và nhận nhiệm vụ, trong khi các tay súng bắn tỉa cũng được bố trí trên các mái nhà tại các khu vực xung quanh. Lực lượng Vệ binh quốc gia, dưới sự giám sát của Cơ quan Tuần tra đường cao tốc bang Missouri, đã phối hợp với cảnh sát công lộ và lực lượng thực thi pháp luật địa phương nhằm "phản ứng thích hợp với các vụ bạo lực và vi phạm pháp luật, đồng thời bảo vệ quyền lợi của tất cả công dân".
Cảnh sát triển khai để ngăn chặn người biểu tình tại thị trấn Ferguson ngày 17/8. Ảnh: AFP-TTXVN |
Liên quan tới tình hình tại bang Missouri, phóng viên TTXVN tại Washington dẫn phát biểu của Tổng thống Barack Obama trong cuộc họp báo cùng ngày tại Nhà Trắng cho biết Bộ trưởng Tư Pháp Eric Holder sẽ tới đây để trực tiếp giám sát và chỉ đạo việc xử lý vụ việc. Bộ trưởng Holder sẽ có các cuộc gặp với các điều tra viên liên bang, chính quyền địa phương và giới chức thực thi pháp luật để thảo luận các biện pháp nhằm lập lại trật tự tại đây. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng một lần nữa kêu gọi các lực lượng thực thi pháp luật địa phương và người biểu tình kiềm chế.
Trước tình hình căng thẳng tiếp tục gia tăng, Bộ Tư pháp Mỹ cũng thông báo bắt đầu vào cuộc điều tra vụ án trên. Giới chức nước này cho biết hiện có khoảng 40 nhân viên thuộc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã có mặt tại thị trấn Ferguson để tiến hành phỏng vấn và lấy lời khai các nhân chứng nhằm phục vụ công tác điều tra.
Làn sóng biểu tình biến thành bạo động, với hàng loạt cửa hàng và cây xăng bị đốt phá cùng với các vụ đụng độ giữa lực lượng thực thi luật pháp với người biểu tình, đã diễn ra suốt từ ngày 9/8 sau cái chết của Michael Brown. Vụ án mạng này đã làm bùng phát làn sóng biểu tình không chỉ ở thị trấn Ferguson với 21.000 dân, chủ yếu là da màu, mà tại nhiều thành phố của Mỹ cũng đã diễn ra các buổi thắp nến với sự tham gia của hàng nghìn người cầu nguyện.
Trong khi đó, kết quả cuộc khảo sát do tổ chức Rasmussen Reports của Mỹ thực hiện và công bố ngày 18/8 cho thấy người da trắng và người da màu ở nước này có những phản ứng khác nhau về vụ cảnh sát bắn chết thanh niên da màu không có vũ trang. Theo khảo sát, có tới 57% người da màu cho rằng viên cảnh sát bắn chết Brown phải bị kết tội giết người, trong khi chỉ có 17% người da trắng đồng tình với quan điểm trên. Trong khi đó, có tới 56% người da trắng không tỏ thái độ rõ ràng trong vấn đề này. Xét tổng thể, có 23% người trưởng thành Mỹ cho rằng viên cảnh sát nói trên phải bị kết tội giết người, 26% cho rằng viên cảnh sát nổ súng là để tự vệ, và khoảng 51% tỏ ý lưỡng lự.
TTXVN/Tin tức