Quan hệ Mỹ - Pakixtan tiếp tục căng thẳng sau khi nhóm đàm phán Mỹ rút về nước do thất bại trong cuộc thương lượng kéo dài một tháng qua về việc mở lại tuyến đường tiếp vận sang Ápganixtan bị Pakixtan phong tỏa.
Tuyến đường tiếp vận qua biên giới là cực kỳ quan trọng trong việc đưa hàng tiếp viện Mỹ vào Ápganixtan. Kể từ khi Pakixtan đóng cửa biên giới, NATO và Mỹ đã phải sử dụng tuyến đường vòng lên phía bắc rất tốn kém.
Dù cả hai phía đều khẳng định vẫn để ngỏ khả năng đạt được thỏa thuận, nhưng việc Mỹ rút nhóm đàm phán về nước là dấu hiệu cho thấy Oasinhtơn gần như không hy vọng đạt được đột phá nào trong cuộc thương lượng. Mâu thuẫn này lại bị "khoét sâu" thêm sau vụ Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pakixtan, Tướng Parvez Kayani hồi tuần trước đã từ chối gặp Phó trợ lý của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Peter Lavoy, để giải quyết bất đồng giữa hai nước.
Bất đồng giữa Mỹ và Pakixtan về tuyến đường tiếp vận là một trong hàng loạt căng thẳng trong quan hệ hai nước, mà đỉnh điểm là vụ hải quân Mỹ đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden tại Pakixtan hồi năm ngoái mà không báo trước với Ixlamabát. Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trong chuyến thăm Ấn Độ nói rằng Mỹ đang mất dần kiên nhẫn do Pakixtan không hành động tích cực để truy quét lực lượng nổi dậy ở biên giới tấn công các lực lượng Mỹ ở Ápganixtan.
Các quan chức Mỹ và Pakixtan không tiết lộ nguyên nhân dẫn tới đổ vỡ trong cuộc đàm phán, nhưng hai quan chức thân cận với cuộc thảo luận này cho biết phía Pakixtan vẫn khăng khăng đòi Oasinhtơn phải có lời xin lỗi về vụ 24 binh sĩ nước này thiệt mạng trong một vụ không kích của Mỹ hôm 24/11/2011. Sự kiện này dẫn tới quyết định đóng cửa biên giới của Pakixtan.
Trần Long