Chính quyền Mỹ hiện đang thiết lập một mạng lưới tình báo nội địa khổng lồ nhằm thu thập thông tin về công dân Mỹ trong khuôn khổ chương trình chống khủng bố mới của nước này.
Thông tin đăng tải trên tờ "Bưu điện Oasinhtơn" ngày 20/12 cho biết, mạng lưới tình báo rộng lớn và hiện đại chưa từng có này sẽ huy động lực lượng của Cục Điều tra liên bang (FBI), cảnh sát địa phương, an ninh nội địa, chính quyền bang cũng như quân đội để thu thập, lưu trữ và phân tích các thông tin về hàng nghìn công dân và cư dân Mỹ, kể cả những người chưa từng có tiền án tiền sự.
Mạng lưới này bao gồm 4.058 tổ chức cấp địa phương, bang và liên bang, mỗi bộ phận có quyền và nghĩa vụ riêng trong lĩnh vực chống khủng bố. Hiện đã có ít nhất 935 tổ chức kiểu này được thành lập tại Mỹ kể từ sau các vụ tấn công khủng bố tháng 9/2001.
Thiết bị nhận dạng vân tay được sử dụng tại các sân bay của Mỹ để kiểm tra thông tin cá nhân. Ảnh: Internet |
Theo các chuyên gia, nhiều nước khác trên thế giới, như Anh và Ixraen, đã quá quen thuộc với các biện pháp an ninh nội địa tương tự, tuy nhiên đối với nước Mỹ, mạng lưới tình báo này là một bước phát triển đáng kể trong hoạt động tình báo nội địa, vốn vấp phải nhiều hạn chế do các quy định luật pháp.
Trên thực tế, FBI từ 2 năm qua đã xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu gồm thông tin cá nhân của hàng chục nghìn công dân và cư dân Mỹ "có hành vi đáng ngờ". Gần 890 cơ quan chức năng địa phương và bang của nước này đã lưu trữ 7.197 báo cáo thu thập được nhưng đến nay chưa có cáo buộc cụ thể đối với bất cứ người nào.
Trong khuôn khổ kế hoạch mới, Sáng kiến báo cáo hoạt động đáng nghi trên cả nước (SAR) sẽ chịu trách nhiệm tập hợp và lưu trữ tất cả dữ liệu do lực lượng cảnh sát gửi về trung tâm. Hiện Bộ An ninh nội địa Mỹ đang xây dựng hướng dẫn cho các nhà chức trách địa phương trong việc phát hiện các chuyên gia khủng bố.
Tuy nhiên, mạng lưới tình báo nội địa mới này cũng làm dấy lên lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân và quyền tự do dân sự. Bình luận về dự án mới, cựu đặc vụ FBI, Michael German, nói rằng mạng lưới này có thể dẫn tới nguy cơ lạm dụng thông tin và khó có thể xác định phạm vi kiểm soát đến đâu là đủ.
Tuy chi phí cho mạng lưới trên chưa được tiết lộ nhưng từ năm 2003 đến nay, Bộ An ninh nội địa Mỹ đã tiêu tốn 31 tỷ USD để chính quyền bang và địa phương cải thiện khả năng phát hiện và chống khủng bố.
Công nghệ và phương pháp được các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ sử dụng hiện nay cũng tương tự như loại được phát triển và dùng trong cuộc chiến tại Irắc và Ápganixtan. Trong đó bao gồm các thiết bị quét và nhận dạng vân tay, các máy sinh trắc học và máy bay không người lái giám sát biên giới của Mỹ giáp với Mêhicô và Canađa.
Quang Minh (Tổng hợp)