Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel ngày 30/8 cho biết, Mỹ vẫn đang tìm kiếm một “liên minh quốc tế” để phản ứng với cáo buộc cho rằng chính phủ Syria dùng vũ khí hóa học hôm 21/8. Trong khi đó, một số nước đồng minh tỏ ra lưỡng lự với việc sát cánh cùng Mỹ tham chiến trừng phạt Damascus.
Các chuyên gia LHQ điều tra tại địa điểm được cho là đã xảy ra vụ tấn công bằng khí độc tại Ghouta, ngoại ô Damascus ngày 29/8. |
Dù nói rằng Mỹ đang tìm đồng minh “cùng hành động” nhưng ông Hagel không nói nước nào có thể là một phần trong liên minh đó. Bình luận của ông Hagel dường như có giọng điệu khác với các quan chức Nhà Trắng trước đó khi tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng hành động một mình.
Kế hoạch xây dựng một liên minh quốc tế nhằm can thiệp quân sự vào Syria của Mỹ đã được sự hậu thuẫn của Pháp khi Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 30/8 tuyên bố, nước này muốn một hành động kiên quyết chống lại chính quyền Syria. Ông Hollande dự báo cuộc tấn công Syria có thể xảy ra ngày 4/9.
Trong khi đó, 140 thành viên Hạ viện Mỹ đã đồng loạt ký tên vào một bức thư kêu gọi Tổng thống Barack Obama thực hiện đúng trách nhiệm của tổng thống được quy định trong hiến pháp Mỹ, theo đó phải thảo luận và chờ sự chấp thuận của quốc hội trước khi đưa ra quyết định tấn công quân sự Syria. Quốc hội Mỹ, hiện trong kỳ nghỉ mùa hè, sẽ bắt đầu trở lại làm việc từ ngày 9/9 tới.
Nhiều nước thoái lui
Đồng minh quan trọng của Mỹ là Anh đã không tham gia tấn công Syria do quốc hội Anh ngày 29/8 đã bỏ phiếu bác bỏ việc can thiệp quân sự vào Syria.
Ngoài Anh, nhiều nước cũng phản đối hoặc tỏ ra lưỡng lự trước kế hoạch tấn công Syria. Thủ tướng Canada Stephen Harper khẳng định nước này ủng hộ các đồng minh về việc phương Tây cần can thiệp quân sự vào Syria, nhưng sẽ không tham gia tấn công.
Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle loại trừ khả năng Đức tham gia chiến dịch quân sự chống Syria. Ông Guido cho hay Đức đang kêu gọi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc tìm quan điểm chung về vấn đề Syria và hối thúc nhóm thanh sát viên LHQ kết thúc cuộc điều tra về vũ khí hóa học tại Syria càng sớm càng tốt.
Quốc hội Síp cùng ngày phản đối sử dụng các căn cứ quân sự của Anh tại nước này để thực hiện các cuộc tấn công của phương Tây nhằm vào các mục tiêu ở Syria.
Italy ngày 30/8 cũng bác bỏ khả năng nước này tham dự vào các cuộc tấn công chống chính quyền Damascus. Ngoại trưởng Italy Emma Bonino cảnh báo hành động can thiệp quân sự vào Syria có thể biến thành một cuộc xung đột toàn cầu.
Trong khi đó, Nga vẫn tiếp tục phản đối bất kỳ một nghị quyết nào của HĐBA cho phép tấn công quân sự vào Syria. Cùng với Nga, một loạt nước khác gồm Hà Lan, Bulgaria, CH Séc, Iraq cũng phản đối tấn công Syria.
Syria thề đáp trả
Bộ trưởng Quốc phòng Syria Fahed al-Fraij ngày 29/8 tuyên bố quân đội Syria sẽ kiên quyết đáp trả bất kỳ hành động quân sự nước ngoài nào can thiệp vào nước này.
Trước đó, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng khẳng định Damascus sẽ tự bảo vệ trước bất kỳ hành động hiếu chiến nào và quyết tâm diệt trừ chủ nghĩa khủng bố ở Syria. Ông Assad nhấn mạnh đe dọa hành động quân sự với Syria sẽ chỉ làm Syria thêm quyết tâm bảo vệ lập trường kiên định và độc lập của mình.
Theo Thủ tướng Syria Wael al-Halqi, Syria sẽ huy động các nguồn lực quốc gia để đối phó với mọi tình huống và làm thất bại âm mưu của kẻ thù.
Thùy Dương