Mỹ ủng hộ liên bang hóa Iraq

Ngày 22/8, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết nước này sẽ ủng hộ chế độ liên bang tại Iraq, đồng thời kêu gọi đoàn kết tại quốc gia đang bị chia rẽ sâu sắc và đang phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố tăng cao từ tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden.


Trong bài viết đăng trên tờ "Washington Post", ông Biden cho rằng sự chia rẽ sắc tộc sâu sắc và hoài nghi chính trị là nguyên nhân hủy hoại sức mạnh của lực lượng an ninh Iraq và tăng cường sức mạnh cho lực lượng phiến quân như IS. Theo ông, "thực hiện chế độ liên bang" sẽ giúp xóa bỏ sự chia rẽ ở trong nước.

Từ lâu, ông Biden đã bày tỏ ủng hộ kế hoạch liên bang hóa Iraq, theo đó Iraq sẽ được chia thành 3 khu bán tự trị dành cho người Shi'ite, Sunni và người Kurd.

Liên quan tới lực lượng IS mà nước Mỹ coi là một nguy cơ còn lớn hơn cả mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda, ông Biden khẳng định Mỹ sẵn sàng "tăng cường hơn nữa" các hành động chống lại lực lượng này. Ông hối thúc các đối tác quốc tế có hành động tương tự.

Khối Sunni rút khỏi đàm phán lập chính phủ

Ngày 22/8, các nghị sĩ Hồi giáo dòng Sunni ở Iraq đã quyết định rút khỏi các cuộc đàm phán về thành lập chính phủ liên minh người Shi'ite sau khi xảy ra vụ xả súng vào một thánh đường Hồi giáo của người Sunni ở tỉnh Diyala làm hơn 130 người thương vong.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, hai khối nghị sĩ có liên hệ với Chủ tịch Quốc hội Salim al-Jubouri và Phó Thủ tướng Saleh Al-Mutlak đã thông báo quyết định trên. Hai khối nghị sĩ này yêu cầu khối nghị sĩ người Shi'ite trong Quốc hội giao nộp những kẻ tấn công trong vòng 48 tiếng và đền bù cho gia đình các nạn nhân nếu muốn tiếp tục tiến trình thành lập chính phủ mới.

Nghị sĩ Nahida Daini - một thành viên trong khối chính trị "Diyala-bản sắc của chúng ta" của Chủ tịch Quốc hội al-Jubouri - cho biết khối này quyết định rút lui để phản đối tình trạng tái diễn tấn công nhằm vào các đền thờ Hồi giáo của người Sunni ở tỉnh Diyala. Hiện tại, khối "Diyala - bản sắc của chúng ta" còn kêu gọi "Liên minh các lực lượng quốc gia" có động thái tương tự nhằm thể hiện sự đoàn kết.

Lực lượng an ninh Iraq tại tỉnh Diyala. Ảnh: Reuters


Vụ tấn công xảy ra tại một thánh đường của người Sunni ở thị trấn Imam Wais thuộc tỉnh Diyala, miền Đông Iraq, khiến 70 người thiệt mạng và hơn 60 người bị thương. Giới chức địa phương nghi ngờ thủ phạm là các tay súng thuộc tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng do, trước đó IS không ép được hai bộ tộc người Sunni trong khu vực gia nhập lực lượng. Trong khi đó, các nghị sĩ người Sunni địa phương lại cáo buộc các nhóm dân quân người Shi'ite đứng sau vụ việc để đáp trả vụ đánh bom xảy ra sáng cùng ngày nhằm vào đoàn xe của một thủ lĩnh người Shi'ite địa phương.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã lên án vụ bạo lực đẫm máu, khẳng định "các vụ tấn công nhằm vào những địa điểm tôn giáo là không thể chấp nhận được và bị cấm theo luật quốc tế". TTK gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân và bày tỏ quan ngại sâu sắc trước ảnh hưởng của xung đột sắc tộc đến tình tình an ninh tại Iraq cũng như lộ trình chính trị hướng tới việc thành lập một chính phủ thống nhất có thể giải quyết các mối đe dọa từ IS.


TTXVN/tin tức




Mỹ sẽ tiếp tục can dự vào Iraq
Mỹ sẽ tiếp tục can dự vào Iraq

Mặc dù đã giúp lực lượng người Kurd của Iraq giành lại được đập thủy điện lớn nhất Iraq từ tay phiến quân nhưng Mỹ vẫn sẽ tăng cường không kích lực lượng này, tiếp tục can dự vào cuộc khủng hoảng ở Iraq ít nhất là trong tương lai

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN